A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ nay đến tháng 4 năm 2024, không còn tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

Bộ Công an thực hiện cao điểm điều tra, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tương tự như trường hợp đã xét xử tại tỉnh Kiên Giang.

Ngày 16/2/2024, Văn phòng Chính phủ phát đi Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, Phó Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế mà Đoàn Thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ ra; đánh giá cao và biểu dương tỉnh Kiên Giang là tỉnh đầu tiên đã tiến hành xét xử vụ án môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, xét về tổng thể đến nay tại một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, như: Tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp; việc kiểm soát, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa hiệu quả; chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá "03 không"; cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong điều tra, xác minh, xử phạt các hành vi khai thác IUU như khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối hoặc gửi, vận chuyển thiết bị VMS trái phép, vi phạm về Nhật ký khai thác, tàu cá hoạt động khai thác sai vùng… dẫn đến kết quả còn rất hạn chế, chưa đồng bộ giữa các địa phương, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 4 năm 2024) là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC trong năm 2024. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay; trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến ngày 30 tháng 4 năm 2024.

Các ban, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung cao điểm, huy động các nguồn lực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo đúng chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4 tháng 11 năm 2023), các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các văn bản khác có liên quan; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ "Thẻ vàng" của cả nước; kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU; tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả, quyết tâm thực hiện mục tiêu từ nay đến tháng 4 năm 2024 không còn tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng loạt điều tra, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tương tự như trường hợp đã xét xử tại tỉnh Kiên Giang để răn đe, tuyên truyền.

Bộ Công an thực hiện cao điểm điều tra, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tương tự như trường hợp đã xét xử tại tỉnh Kiên Giang. Chỉ đạo các lực lượng Công an, Công an 28 địa phương ven biển bố trí lực lượng tập trung nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống IUU tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt tàu cá trong và ngoài địa phương hoạt động trên địa bàn; bảo đảm giám sát 100% sản lượng thuỷ sản đánh bắt, qua đó phát hiện các hành vi khai thác vi phạm quy định tại Luật Thuỷ sản và vi phạm khai thác IUU.

Khẩn trương điều tra, khởi tố các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước nhằm hợp thức hoá hồ sơ sản phẩm thuỷ sản vi phạm khai thác IUU xuất khẩu sang thị trường châu Âu; chủ động nắm tình hình, điều tra, xử lý hành vi vi phạm đối với nhóm tàu cá cố tình không quay về bờ, tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

Các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường hơn nữa các hoạt động thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật về chống khai thác IUU; công khai rộng rãi, thường xuyên các trường hợp vi phạm khai thác IUU bị xử lý trên các phương tiện để răn đe, giáo dục.


Tác giả: Khánh Vi