A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gương “Dân vận khéo” trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện Kon Rẫy

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.”

Hiểu được điều đó, trong những năm qua, đồng chí Đại úy Trịnh Thành Tâm – Trưởng Công an xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum luôn đặc biệt coi trọng công tác dân vận, coi dân vận là một biện pháp quan trọng để bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn.

Để phát huy được vai trò của nhân dân, tuyên truyền để mọi người dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng” với đồng bào là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng. Với giọng xúc động, đồng chí Tâm kể: “Năm 2012, khi mình mới về huyện công tác, cũng chưa thân thuộc địa bàn. Thế là mình cứ xin người dân ở đây cho mình sinh hoạt chung, tập nói tiếng đồng bào, người ta đi làm mình cũng đi làm, người ta tổ chức các cái lễ lớn nhỏ mình cũng tham gia. Cứ từ đó, dần dần không có cái rẫy nào ở xã là mình chưa đến, không có cái đường nào là mình chưa đi. Mình quen người ta rồi thì khi tuyên truyền người ta cũng dễ nghe hơn, thực hiện tốt hơn”.

Biết người đồng bào chân chất, thật thà lại hay ngại phát biểu ở đám đông, đồng chí Tâm đã đến từng nhà để vận động người dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, đồng chí còn kết hợp hỏi han tình hình sức khỏe, việc phát triển kinh tế của gia đình và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Thấy hộ nào có người thường xuyên đau ốm, hoàn cảnh quá khó khăn, đồng chí Tâm đã hướng dẫn, động viên họ đến cơ sở y tế gần nhất để làm thủ tục nhận thẻ Bảo hiểm y tế miến phí. Đồng thời, đề xuất lên cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các hộ trên về con giống, vật nuôi để họ phấn đấu làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

 

Hình ảnh đồng chí Trịnh Thành Tâm đang tuyên truyền, vận động tại nhà dân


Đối tượng tuyên truyền của đồng chí Tâm là vô cùng đông đảo và đa dạng. Không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động số người lớn, thanh thiếu niên chậm tiến, đồng chí Tâm còn thể hiện sự quan tâm, thương yêu đến các em nhỏ, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ, chỉ dẫn các em siêng năng học tập, không sa vào con đường vi phạm pháp luật. Vì vậy, “bố Tâm” cũng là cái tên gọi rất dỗi chân tình, thân thuộc của nhiều em nhỏ trên địa bàn xã Đăk Tờ Re ưu ái dành cho đồng chí.

Kể về một kỷ niệm khó quên trong suốt quá trình công tác, đồng chí Tâm vẫn nhớ như in: “Câu chuyện xảy ra vào 5 năm trước, khi ấy, tình hình tà đạo Hà Mòn đang diễn biến căng thẳng, nhiều đối tượng tin theo tà đạo Hà Mòn bỏ bê gia đình, công việc trốn vào rừng để tụ tập đọc kinh trái phép. Trong đó, có một cậu thanh niên nhà ở thôn 5, xã Đăk Tờ Re. Nghe lời các đối tượng xấu, cậu này bỏ nhà đi trốn vào rừng cả tháng trong khi bố mẹ già ở nhà thì đang đau ốm, không có ai trông nom. Sau nhiều ngày mình vào rừng tuyên truyền cho cậu này từ bỏ tà đạo Hà Mòn để quay về gia đình, thôn làng thì cuối cùng cậu ấy cũng chịu quay về. Nhưng trong đêm cậu ấy về đến nhà cũng là lúc mẹ của cậu sau một thời gian lâm bệnh trút hơi thở cuối cùng. Nén nỗi đau vào lòng, nghe lời tâm sự của mình, cậu ấy đã quyết tâm từ bỏ tà đạo Hà Mòn, tu chí làm ăn, lại cùng với chính quyền và lực lượng Công an vận động người khác còn tin theo sớm từ bỏ tà đạo Hà Mòn.”

Bên cạnh công tác tuyên truyền, đồng chí Tâm còn nhận thức rất rõ về yêu cầu phải hướng dẫn, tập hợp nhân dân tham gia cùng với lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; vì vậy, đồng chí đã thường xuyên tham gia vào các cuộc họp của thôn, làng để thông tin cho mọi người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; hướng dẫn người dân một số biện pháp để bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe của mình; cách thông báo cho lực lượng Công an khi có thông tin hoặc tình hình mới phát sinh liên quan đến an ninh trật tự…

Cùng với đó, đồng chí Tâm cũng đã đề xuất thành lập nhiều mô hình về đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân như: mô hình “Tổ An ninh nhân dân” là Tổ hoạt động trên cơ sở các cụm gia đình, mỗi gia đình cử đại diện 01 người để tham gia vào Tổ. Tổ này có nhiệm vụ cùng với lực lượng Công an xã tham gia tuần tra ban đêm khắp các tuyến đường, ngõ hẻm của các thôn, làng nhằm phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý những đối tượng đang có hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra còn có mô hình “Tiểu ban giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật” với từ 10 – 12 người là những người đứng đầu, có uy tín ở các thôn, làng. Định kỳ hàng tháng, Tiểu ban cùng họp với nhau để phân công quản lý, giáo dục những thanh thiếu niên chậm tiến, đồng thời, chia sẻ với nhau về những kinh nghiệm trong công tác quản lý, giáo dục.

 Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong những năm qua, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Đăk Tờ Re đã có nhiều chuyển biến mới. Số người tin theo tà đạo Hà Mòn ngày càng giảm; nhiều vụ vi phạm pháp luật đã được phát hiện và xử lý kịp thời; tai nạn giao thông được kìm chế… “Đạt được điều đó là nhờ rất nhiều vào sự giúp đỡ tận tình của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn đối với lực lượng Công an– đồng chí Tâm khẳng định.

Ngoài làm tốt công tác dân vận, đồng chí Tâm cũng là một cán bộ rất tích cực trong việc thực hiện công tác chuyên môn, ba năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Ngoài ra, đồng chí còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành vì đã có nhiều thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; xóa bỏ tà đạo Hà Mòn… trên địa bàn.


N.H.A