A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 74 vụ cháy các loại trong đó có 08 vụ cháy xảy ra tại các nhà máy, xí nghiệp và xưởng sản xuất, chiếm 10,81% và gây ra thiệt hại về tài sản khoảng 604.700.000 đồng.

Trong thời gian gần đây, trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy tại các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất và gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 74 vụ cháy các loại trong đó có 08 vụ cháy xảy ra tại các nhà máy, xí nghiệp và xưởng sản xuất, chiếm 10,81% và gây ra thiệt hại về tài sản khoảng 604.700.000 đồng. Điều đó đã và đang nói lên tại các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ và công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất là vô cùng quan trọng.

Điển hình, vào lúc 17 giờ 34 phút ngày 15/01/2021, xảy ra cháy tại Nhà máy gạch tuynel Hòa Nghĩa thuộc thôn 3, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Rất may sau khi vụ cháy xảy ra không gây thiệt hại về người, nhưng gây thiệt hại về tài sản khoảng 5.000.000 đồng.

Hình ảnh: Hiện trường vụ cháy tại Nhà máy gạch tuynel Hoà Nhĩa (nguồn: congankontum.gov.vn)

Vụ thứ 2, Vào lúc 06 giờ 30 phút ngày 30/12/2020 xảy ra cháy xưởng sản xuất bao bì tại thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Vụ cháy đã gây thiệt hại khoảng 110.000.000 đồng.

Hình ảnh: Các chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH đang dập tắt đám cháy (nguồn: congankontum.gov.vn)

Vậy để đảm bảo công tác an toàn PCCC tại các nhà máy, xí nghiệp và xưởng sản xuất, tác giả xin được khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như sau:

1. Các nhà máy, xí nghiệp và xưởng sản xuất thuộc diện phải thẩm duyệt, thiết kế về PCCC thì phải được thẩm duyệt, thiết kế về PCCC trước khi đi vào hoạt động theo quy định.

2. Tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm cháy như xăng, dầu, cồn, ga và hóa chất dễ cháy khác ở trong các khu vực nhà máy, xí nghiệp và xưởng sản xuất.

3. Phải niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Trường hợp cần thiết phải sử dụng lửa, nguồn nhiệt phải bố trí khu vực riêng biệt và có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

4. Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong khu vực nhà máy, xí nghiệp và xưởng sản xuất.

5. Lắp đặt hệ thống điện theo đúng quy định an toàn PCCC, lắp đặt antomat từ nguồn cấp điện chính, cho từng tầng, từng phòng làm việc và từng thiết bị có công suất lớn; kiểm tra, cắt điện đối với hệ thống điện, thiết bị điện không cần thiết trong giờ nghỉ hoặc khi hết giờ làm việc.

6. Để hàng hóa dễ cháy cách bóng điện, chấn lưu đèn nê ông, bảng điện tối thiểu 0,5 m. Sử dụng quạt phải có lồng bảo hiểm.

7. Không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần tại các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất.

8. Các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất phải xây tường ngăn cháy theo quy định.

9. Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy.

10. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định.

11. Thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này.

12. Trang bị phương tiện chữa cháy phục vụ việc chữa cháy, thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy.

13. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu người trong các tình huống giả định.

14. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114, cho Công an nơi gần nhất đồng thời tổ bằng mọi cách dập cháy và cứu người theo phương án./.

Trần Minh