A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bỏ sổ hộ khẩu nhưng vẫn duy trì quản lý cư trú đối với người dân

Từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng, tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn duy trì quản lý cư trú đối với người dân, chỉ là thay thế hình thức quản lý từ cuốn sổ bằng giấy sang phần mềm công nghệ hiện đại, hiệu quả hơn.

Qua mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, mô hình tổ chức bộ máy của Công an nhân dân nói chung, của Công an các cấp trong việc thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú nói riêng có sự thay đổi nhất định để phù hợp với yêu cầu quản lý của nhà nước trong từng giai đoạn. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về cư trú, lực lượng Công an nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Công an nhân dân, các quy định của pháp luật về cư trú, cụ thể là: Luật Cư trú năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013; Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú; Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư số 61/2014/TT-BCA ngày 20/11/2014 của Bộ Công an quy định về quy trình đăng ký cư trú… Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cư trú, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc đăng ký cư trú cho người dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Ảnh minh họa

Trong điều kiện đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa giấy tờ về quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới. Vì vậy, Luật Cư trú (sửa đổi năm 2020) với những quy định mới đã bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, Luật Cư trú năm 2020 quy định kể từ 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Những cuốn sổ đã cấp trước đây chỉ còn được sử dụng đến hết ngày 31/12/2022. Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân.

Khi quản lý cư trú bằng mã số định danh, người dân sẽ được cập nhật, khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và thực hiện quản lý cư trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn là cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính; mặt khác, thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn để cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.

Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Theo đó, từ ngày 01/01/2023, người dân có thể dùng một trong các loại giấy tờ sau đây để chứng minh thông tin cư trú thay vì sử dụng sổ hộ khẩu: Thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia hiện nay. Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và thực hiện quản lý cư trú trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú.


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan