A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

Hiện nay đang xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là lừa đảo thông qua mạng Internet, mạng viễn thông. Đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người sử dụng mạng xã hội, mạng viễn thông để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Dưới đây là một số thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội và cách xử lý khi gặp một số tình huống:

1. Đối tượng lừa đảo nhắn tin đến Zalo, Facebook… của bạn thông báo bạn trúng thưởng tiền mặt, xe máy SH125i…

Cách xử lý : Không liên lạc lại, không nộp tiền làm hồ sơ nhận thưởng. Không đăng nhập đường Link lạ, không cung cấp OTP cho người khác biết.

2. Giả danh là người nước ngoài để kết bạn làm quen và tặng quà có giá trị. Sau đó có nhân viên sân bay, bưu điện… gọi đến và yêu cầu nộp một số tiền lớn để nhận quà do đó là USD…

Cách xử lý: Không kết bạn làm quen với đối tượng lạ, không nộp bất kỳ một khoản phí nào qua trung gian. Yêu cầu gặp mặt đối tượng, sau đó thông báo cho cơ quan Công an vụ việc trên.

3. Một số app kiếm tiền online như (Pchome, Shopping Mail, Tailoc888) mời tham gia trò chơi, giật đơn hàng.

Có bị hại đã chuyển khoản 15 lần với số tiền hàng tỷ đồng nhưng đối tượng vẫn yêu cầu chuyển thêm lần nữa để sửa đơn hàng rồi lừa tiền.

Người chơi nạp tiền lần 1 và lần 2 (mỗi lẫn từ 500k đến 1.500k) sẽ được chuyển lại tài khoản liên kết và lãi ngay 20%. Từ lần 3 trở đi sẽ bị trúng đơn hàng từ 20 triệu trở lên và chuyển khoản lần nào là mất lần đó.

Cách xử lý: Không tham gia trò chơi.

4. Hack Zalo, Facebook sau đó nhắn tin vay tiền, nạp thẻ điện thoại. Khi người dùng gọi Zalo video lại thì hình ảnh nhòa và nhiễm, sau đó bị tắt ngay do mất sóng…

Cách xử lý: Khi nhận được tin nhắn bạn bè, người thân trên Zalo, Facebook nhằm vay tiền, nạp thẻ điện thoại, chuyển khoản hộ… cần trực tiếp xác minh bằng cách gọi điện thoại xác thực.

5. Các đối tượng giả danh Công an, Kiểm sát… gọi điện thoại (số 113) đến và thông báo bạn đang bị điều tra liên quan đến Ma túy, buôn lậu… yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, yêu cầu nộp khoản tiền lớn nếu không sẽ bị bắt để khởi tố, tạm giam…

Cách xử lý: Không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân và tài khoản. Cơ quan điều tra không triệu tập hoặc tiến hành các hoạt động tố tụng qua điện thoại.

6. Gọi điện thoại thông qua tài khoản của bạn đã bị phong tỏa hoặc tài khoản bị lỗi không thực hiện giao dịch. Yêu cầu nhập vào đường Link và cung cấp mã OTP để khôi phục lại hoạt động, sau đó sẽ rút sạch tiền trong tài khoản của bạn.

Cách xử lý: Cần liên hệ với nhân viên tư vấn qua tổng đài miễn cước mà Ngân hàng bạn mở tài khoản để được tư vấn trực tiếp. Không đăng nhập vào đường Link lạ, không cung cấp OTP cho người khác biết.

Người dân cần chủ động phòng ngừa, khi có các dấu hiệu nghi vấn kịp thời đến cơ quan Công an gần nhất để hướng dẫn, giải quyết.

 Y Sương