A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú

Để bảo đảm cho việc tổ chức thi hành các quy định về cư trú và quản lý cư trú đúng mục đích và có hiệu quả, thực hiện đúng Hiến pháp và pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời thực hiện tốt với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Cư trú năm 2006, Điều 3 Luật Cư trú năm 2020 đã quy định 05 nguyên tắc trong cư trú và quản lý cư trú. Các nguyên tắc này có vị trí quan trọng trong hệ thống các quy phạm về cư trú và quản lý cư trú; là phương châm, định hướng, xuyên suốt hoạt động cư trú và quản lý cư trú, cụ thể là các nguyên tắc sau:

“Điều 3. Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật

2. Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Trình tự, thủ tục đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.

4. Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.

5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Cư trú năm 2006, Luật Cư trú năm 2020 quy định các nguyên tắc cụ thể về cư trú và quản lý cư trú, theo đó có 04 nguyên tắc được cụ thể từ Luật Cư trú năm 2006 và bổ sung nguyên tắc tại khoản 5 Điều này: “5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Đây là nguyên tắc quan trọng, cụ thể hóa và xác định mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở cụ thể Điều 23 Hiến Pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định và các quan điểm, chủ trương của Đảng về đảm bảo an ninh, trật tự nói chung và trong hoạt động đăng ký, quản lý cư trú nói riêng. Nguyên tắc này cũng nhằm mục đích cụ thể hóa trách nhiệm của cán bộ làm công tác về đăng ký, quản lý cư trú, cũng như trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải luôn thực hiện tốt quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú.

2a8d25134996bcc8e587.jpg

Ảnh. Lực lượng chức năng tiến hành thu nhận Căn cước công dân đặt nền tảng công dân số, góp phần xây dựng Chính phủ số

Đồng thời, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 01/8/2017 về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết đặt ra yêu cầu: Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú để đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý cư trú. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trong đó, xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021. Bộ Công an có Kế hoạch số 82/KH-BCA-C06 ngày 04/3/2020 về triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xác định việc hoàn thành, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu này trên toàn quốc trước tháng 06/2021. Theo đó, khoản 4 Điều này đã bổ sung và quy định cụ thể hơn nguyên tắc: Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.

Luật Cư trú năm 2020 thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng internet. Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Do đó, việc bổ sung nguyên tắc này là cần thiết./.

Nguyễn Thị Tâm