A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp

Ngày 25/3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND Quy định thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Nội dung Quyết định như sau:

1. Quyết định này quy định thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp trên địa bàn tỉnh để thực hiện nội dung chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp theo Nghị quyết số 34/2017/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum quy định nội dung, mức chi cho công tác quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.

2. Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh: Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); Người được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn hoặc chủ trì thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; Cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp trên địa bàn tỉnh; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Quyết định này không áp dụng đối với các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh và cán bộ, công chức thuộc các cơ quan này.

3. Cán bộ, công chức được phân công trực tiếp làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp lập đề nghị chi hỗ trợ khi thuộc một trong các điều kiện sau: Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý đã thi hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hồ sơ vụ vi phạm hành chính; Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đã có kết luận kiểm tra hoặc kết luận thanh tra của cơ quan có thẩm quyền; Giám đốc Sở Tư pháp hoặc Trưởng Phòng Tư pháp đã ban hành văn bản trả lời, nhận xét, cho ý kiến pháp lý đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính liên quan.

4. Thực hiện chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức được phân công trực tiếp làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp tại cơ quan, đơn vị sau: Cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; Cơ quan, đơn vị thực hiện việc trả lời, nhận xét, cho ý kiến pháp lý đối với trường hợp kiểm tra, đánh giá hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, để làm cơ sở ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

5. Căn cứ Điều 4 Quyết định này, người tiến hành kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu có trách nhiệm lập danh mục hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp và đề nghị người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Quyết định này xác nhận để làm cơ sở chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp theo quy định.

6. Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với từng vụ việc vi phạm cụ thể. Các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hồ sơ xử phạt liên quan đến nhiều đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính (từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên) hoặc liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (từ 02 ngành, lĩnh vực trở lên); Hồ sơ xử phạt có phạm vi rộng liên quan đến 02 địa bàn từ cấp xã trở lên hoặc có hậu quả ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều tổ chức, cá nhân (từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên); Hồ sơ xử phạt thuộc trường hợp đã tổ chức định giá hoặc giám định tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ hai lần trở lên để phục vụ cho việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc có văn bản, tài liệu mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn; Hồ sơ xử phạt mà đối tượng vi phạm là cá nhân, tổ chức nước ngoài; Hồ sơ xử phạt đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp cần phải xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Hồ sơ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại điểm e khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Hồ sơ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Hồ sơ thuộc trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 nhưng phải ban hành quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính.

7. Thẩm quyền xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp: Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp do người có thẩm quyền tại cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn hoặc chủ trì thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính xác định đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp thuộc phạm vi kiểm tra, thanh tra công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 31, 32 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Giám đốc Sở Tư pháp xác định đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu hoặc Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị cho ý kiến pháp lý; Trưởng Phòng Tư pháp xác định đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu hoặc Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị cho ý kiến pháp lý./.


Tác giả: Thái Ngân