A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú

Công tác quản lý dân cư có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, tất cả các quốc gia trên thế giới đều tiến hành hoạt động quản lý dân cư và căn cứ vào yêu cầu quản lý, trình độ phát triển, phong tục, tập quán mà mỗi quốc gia sẽ có cách thức quản lý dân cư riêng cho hiệu quả và phù hợp.

Ở Việt Nam, công tác quản lý dân cư được thực hiện thông qua việc cấp sổ hộ khẩu đối với trường hợp đăng ký thường trú, cấp sổ tạm trú đối với trường hợp đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư khiến cho việc kết nối thông tin giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quản lý dân cư được thuận lợi hơn rất nhiều so với việc quản lý bằng phương thức thủ công; mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư còn tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước có thể khai thác, liên thông kết nối và chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý. Do đó, việc thay thế hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử với việc sử dụng mã số định danh cá nhân là xu hướng tất yếu trong tình hình mới.

z2631765179527_86ef8da8fa87702d0a3a46dc27e51ec7.jpg

Lực lượng chức năng tích cực quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử với việc sử dụng mã số định danh cá nhân

Quản lý nhà nước về cư trú là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước đối với các vấn đề xã hội được tiến hành theo quy định của pháp luật về cư trú; quá trình tiến hành đăng ký, quản lý cư trú có sự phân công, phân cấp theo thứ bậc chặt chẽ, xác định rõ phạm vi trách nhiệm của Cơ quan Công an các cấp. Quản lý về cư trú là một nội dung của quản lý hành chính nhà nước, vừa phục vụ cho yêu cầu quản lý xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, hoạt động quản lý nhà nước về cư trú còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, như quyền bầu cử, ứng cử, học tập, việc làm, sở hữu tài sản… Đây là những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục đăng ký cư trú hiện nay còn rườm rà, mang tính thủ công và chưa quy định cụ thể, chi tiết ngay trong luật để bảo đảm thống nhất áp dụng.

Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia thực hiện thành công việc sử dụng công cụ số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu điện tử vào quản lý dân cư. Việc làm này giúp thay đổi cơ bản cách thức giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch dân sự hoặc phục vụ nhu cầu khác của cơ quan, tổ chức, công dân.

Thực hiện Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017 của Chính phủ về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; theo đó, việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú cho công dân cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với hình thức quản lý đã được thay đổi, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú trong tình hình mới.

Theo đó, Điều 32 Luật Cư trú năm 2020 đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý về cư trú từ Trung ương (Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ) đến Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình sẽ có trách nhiệm cụ thể:

“Điều 32. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú và có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú;

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú; tổ chức việc đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

c) Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật này;

d) Ban hành, in ấn và quản lý tờ khai thay đổi thông tin cư trú và các giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu, sổ sách về cư trú;

đ) Trang bị máy móc, phương tiện, thiết bị; bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú;

e) Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;

g) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật;

h) Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú theo sự phân công của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương;

b) Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về quản lý cư trú;

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;

d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật”.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú, Luật Cư trú năm 2020 cơ bản kế thừa quy định của Luật Cư trú năm 2006. Ngoài ra, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong việc (1) cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; (2) xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Việc bổ sung này để phù hợp với các phương thức quản lý cư trú mới mà Bộ Công an đang thực hiện và thống nhất quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Về trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú, tại Điều 33 Luật Cư trú năm 2020 quy định cơ quan đăng ký cư trú có những trách nhiệm cụ thể như sau:

“Điều 33. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú

1. Niêm yết công khai thủ tục hành chính; hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú; công khai địa điểm, số điện thoại hoặc cách thức khác để tiếp nhận thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.

2. Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

3. Xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

4. Quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú và bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân.

5. Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo thẩm quyền”.

Như vậy, so với quy định của Luật Cư trú năm 2006, Luật Cư trú năm 2020 đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú để bảo đảm phù hợp với phương thức đăng ký, quản lý cư trú mới, gồm:

(1) Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

(2) Xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an./.

Nguyễn Thị Tâm

 


Tin liên quan