A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tích cực khai thác tiện ích khi thông báo lưu trú qua phần mềm ASM

Việc triển khai mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú được tích hợp nhiều tiện ích sẽ giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở y tế nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thông báo lưu trú của người dân.

 

Phần mềm ASM được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an triển khai từ ngày 27/02/2023, kết nối với hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phát triển ứng dụng của thẻ Căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử. Mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các cơ sở kinh doanh lưu trú là mô hình thứ 9 trong 43 mô hình thuộc 5 nhóm tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Theo đó, các cơ sở kinh doanh lưu trú có thể sử dụng tài khoản VNeID quét mã cho khách hàng phục vụ kê khai thông tin tự động mà không cần phải xuất trình các loại giấy tờ để xác định thông tin cá nhân.

Phần mềm ASM giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý các dịch vụ cung cấp về số phòng, nhân viên, khách đến lưu trú, các dịch vụ kinh doanh khác… giảm thời gian nhập liệu các thông tin khách lưu trú; cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động, kịp thời gửi đến cơ quan Công an. Bên cạnh đó, thông qua phần mềm ASM, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cắt giảm thời gian, chi phí lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Với phương châm “Tiện lợi, an toàn, bảo mật”, hệ thống hỗ trợ thông báo lưu trú qua phần mềm ASM giúp các cơ sở lưu trú thuận tiện trong việc tạo tài khoản, đăng nhập, sử dụng; thực hiện thông báo lưu trú trên môi trường điện tử nhanh chóng, kịp thời, 24/24h…

Từ khi triển khai phần mềm ASM, khách chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp, sau đó nhân viên lễ tân sẽ quét mã QR, dữ liệu sẽ được điền tự động vào hệ thống. Việc check-in nhận phòng và thông báo lưu trú cho khách được rút ngắn thời gian cũng như giảm sai sót trong cập nhật thông tin khách lưu trú.

Sau khi đưa vào vận hành phần mềm ASM, theo đánh giá của các cơ sở lưu trú, phần mềm ASM không chỉ giải quyết những bất cập trong thực hiện thông báo lưu trú mà còn nhiều tiện ích khác như quản lý hệ thống phòng, giá... tự thống kê số lượng khách theo từng thời gian để báo cáo với cơ quan chức năng nhằm tiết giảm thời gian và chi phí cho cơ sở lưu trú. Trước đây khi khách đến, khách sạn sẽ tạm giữ CCCD sau đó lưu mẫu phô tô kèm theo các giấy tờ khai báo nộp cho cơ quan quản lý.

Tính đến 31/8/2023, tỉnh Kon Tum có 244 đơn vị đăng ký triển khai quản lý lưu trú qua phần mềm ASM, trong đó có 221 cơ sở lưu trú, du lịch; 19 nhà ngăn phòng cho thuê, 04 cơ sở khám chữa bệnh. Qua thống kê, thành phố Kon Tum có 106 đơn vị đăng ký, Kon Plông có 77 đơn vị, Ngọc Hồi 16 đơn vị, Đăk Hà 09 đơn vị, Đăk Glei và Đăk Tô có 08 đơn vị, Kon Rẫy 06 đơn vị, Ia H’Drai 04 đơn vị, Tu Mơ Rông 03 đơn vị đã đăng ký thực hiện phần mềm ASM.

Ứng dụng khai báo lưu trú qua phần mềm ASM được đưa vào áp dụng là bước đột phá trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh thuận tiện hơn rất nhiều trong công tác quản lý và thực hiện thông báo lưu trú. Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét trong ứng dụng công nghệ tiện ích, góp phần quan trọng trong chuyển đổi số.

Ảnh. Lực lượng chức năng thu nhận hồ sơ Căn cước công dân, định danh điện tử tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Bên cạnh đó, thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ CCCD, ứng dụng VNeID; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là một bước tiến trong cải cách hành chính, minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ BHYT thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh BHYT, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ nào khác, thời gian thực hiện thủ tục khám chữa bệnh được tiết giảm tối đa. Từ ngày 15/7/2023 đến ngày 15/8/2023 tiếp nhận 16.036 lượt người dân sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp khám chữa bệnh BHYT.

Để phần mềm ASM được sử dụng phổ biến và đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai phần mềm ASM trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT; tạo sự chuyển biến tích cực trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD, tài khoản Định danh điện tử cho người dân trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở khác có chức năng lưu trú thực hiện thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID hoặc hệ thống phần mềm ASM.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, tháng 6/2023 tỉnh Kon Tum đã được Bộ Công an công nhận hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện. Công an toàn tỉnh tiếp tục huy động lực lượng từ tỉnh đến cơ sở triển khai nhiều cách làm để hướng dẫn công dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID cũng như thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Ảnh. Công dân sử dụng tài khoản Định danh điện tử thay thế nhiều loại giấy tờ khi thực hiện các giao dịch hành chính

Việc thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn được các tổ lưu động của Công an các cấp phối hợp với Công an cấp xã triển khai đến tận thôn, làng, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và từng hộ dân. Tính đến ngày 13/8/2023, toàn tỉnh thu nhận 113.430 hồ sơ cấp Định danh điện tử (32.685 hồ sơ mức 1; 80.745 hồ sơ mức 2), duyệt 103.405 hồ sơ (28.762 hồ sơ đăng ký mức 1; 77.643 hồ sơ đăng ký mức 2), cấp 92.951 tài khoản Định danh danh điện tử (15.309 tài khoản Định danh điện tử mức 1; 77.642 tài khoản Định danh điện tử mức 2), công dân đã kích hoạt 54.399 tài khoản Định danh điện tử (8.420 tài khoản Định danh điện tử mức 1; 45.979 tài khoản Định danh điện tử mức 2).

Để việc triển khai thực hiện mô hình đạt hiệu quả, trong thời gian tới lực lượng Công an tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, cùng với Sở Y tế và Ngân hàng Nhà nước tổ chức tập huấn, bố trí hạ tầng, lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị để triển khai thực hiện tại cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID thay thế thẻ BHYT và việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho người dân đến khám chữa bệnh thông qua việc hướng dẫn tại bộ phận tiếp nhận bệnh nhân ban đầu, hạn chế tối đa việc yêu cầu người dân xuất trình thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh. Đồng thời, đầu tư trang bị đầu đọc mã QR code theo quy chuẩn để triển khai mô hình có hiệu quả.

Việc phát triển tài khoản định danh điện tử là một trong những yêu cầu quan trọng trong tiến độ triển khai Đề án 06, cài đặt và kích hoạt ứng dụng VNeID giúp người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến dễ dàng và thuận lợi khi giải quyết các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an và các bộ, ngành một cách dễ dàng, thuận lợi, giảm bớt chi phí, thời gian đi lại. Việc tích hợp thông tin, lưu trữ và sử dụng các giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID đã tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử như: thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, khai báo tạm trú, tạm vắng, đăng ký hộ chiếu.../.

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan