A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phối hợp thông tin hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh

Ngày 07/7/2023, Sở Tư pháp ban hành văn bản số 1154/STP-HC&BTTP về việc phối hợp thông tin hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, Sở Tư pháp thông tin và đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – chi nhánh tỉnh Kon Tum; Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kon Tum; Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp thực hiện nội dung sau:

1. Vừa qua, có dư luận xã hội, một số phương tiện báo chí phản ánh: một số cá nhân chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật công chứng gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, đây là hành vi của cá nhân, không đại diện cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, theo quy định của Luật Công chứng thì Công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng do mình thực hiện.

Do vậy, hành vi của các cá nhân được phản ánh (nếu có) không ảnh hưởng đến tình hình tổ chức và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức hành nghề công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng hiện tại đang hoạt động bình thường và theo đúng quy định của pháp luật. Các văn bản công chứng của bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh được chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật đều có giá trị pháp lý.

2. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số Văn phòng công chứng chỉ có 01 Công chứng viên hợp danh là Trưởng văn phòng đang hoạt động. Theo quy định của Luật Công chứng thì Văn phòng công chứng phải có 02 thành viên là Công chứng viên hợp danh trở lên. Việc Văn phòng công chứng có 01 Công chứng viên với điều kiện phải bổ sung thêm Công chứng viên hợp danh trong thời hạn luật định mặc dù đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Văn phòng công chứng chỉ có 01 Công chứng viên hợp danh hoạt động sẽ có một số hạn chế như:

Trong trường hợp Công chứng viên chết, ốm hoặc nghỉ làm để giải quyết công việc cá nhân, công việc gia đình thì Văn phòng công chứng không thể duy trì hoạt động bình thường, phải chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động. Vì thế, việc yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức không được giải quyết kịp thời, đặc biệt trường hợp sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng khi có sự sai sót hoặc chứng nhận bổ sung Phụ lục hợp đồng (để vay thêm hoặc giảm giá trị hợp đồng, giao dịch).

Mặt khác, trong trường hợp Công chứng viên chết thì không còn cá nhân, tổ chức để kế thừa nghĩa vụ phát sinh và chịu trách nhiệm đối với văn bản công chứng đã chứng nhận, người yêu cầu công chứng có thể phải chịu thiệt hại nếu các văn bản công chứng được chứng nhận không đúng quy định của pháp luật. Riêng đối với tổ chức công chứng của Nhà nước thì vẫn có các chủ thể khác kế thừa quyền và nghĩa vụ.

Trách nhiệm liên đới và vô hạn của thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ của Văn phòng công chứng đòi hỏi các Công chứng viên hợp danh phải thiết lập cơ chế giám sát quá trình hành nghề đối với Công chứng viên trong tổ chức của mình. Trách nhiệm liên đới của các thành viên hợp danh có nghĩa là chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của tổ chức mà mình là thành viên hợp danh cho dù lỗi có thể không phải do mình gây ra. Nội dung này, Văn phòng công chứng chỉ có 01 Công chứng viên không thể thực hiện được, dẫn đến có thể chứng nhận hợp đồng, giao dịch sai quy định của pháp luật./.

 


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan