A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định

Tại văn bản số 1647/SYT-NVYD ngày 02/6/2023, Sở Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Đăk Glei, Kon Plong cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; xử lý nghiêm, đúng quy định các trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Sở Y tế, năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 02 chùm ca bệnh nghi do ngộ độc thực phẩm tại huyện Kon Plông với 10 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, trong đó có 02 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 06 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum (huyện Kon Plông 04, huyện Đăk Glei 02). 

Để kịp thời ngăn chặn, giảm số mắc, không để tử vong xảy ra do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện Kon Plông, Đăk Glei chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương rà soát, nắm kỹ các lễ hội trên địa bàn để hiểu rõ về phong tục tập quán, làm cơ sở tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu…

Xây dựng các phương án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn (lưu ý tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, các điểm du lịch…). Tăng cường kiểm tra việc buôn bán các loại thực phẩm, đồ uống có cồn…; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người dân về các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; huy động cộng đồng tổng vệ sinh môi trường đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả.

Khẩn trương, kiên quyết kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm của các hộ dân và nơi, nguồn cung cấp, buôn bán trên địa bàn; loại bỏ ngay toàn bộ các loại thực phẩm nghi ngờ có khả năng chứa vi khuẩn/nha bào/độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum; vận động người dân thực hiện nghiêm việc ăn chín, uống chín, không dùng thực phẩm có nghi ngờ không an toàn khả năng gây ngộ độc; ưu tiên dùng các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín; các thực phẩm như hun khói, lên men, đóng gói/đóng kín/che đậy kín… hoặc để kéo dài trong điều kiện không đông đá phải được sử dụng theo hướng dẫn của cơ sở y tế địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; xử lý nghiêm, đúng quy định các trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm, tập trung tuyên truyền, vận động người dân bảo đảm vệ sinh trong ăn uống, thực hiện ăn chín, uống chín, vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn, bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chế biến ăn ngay và nguồn nước chế biến an toàn; nhấn mạnh nội dung “05 chìa khóa để có thực phẩm an toàn” theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới; đặc biệt chú ý đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ mắm,…) thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói,…).


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan