A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường giáo dục pháp luật và văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều nhóm thanh thiếu niên, học sinh tổ chức điều khiển xe máy bốc đầu, lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Số đối tượng sử dụng xe môtô bốc đầu, chạy bằng 1 bánh cũng như độ chế xe, nhóm tuổi chủ yếu từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Ảnh minh họa

Đây là một hiện tượng xấu, phản ánh sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một bộ phận thanh thiếu niên trong việc tham gia giao thông. Hành vi này không chỉ gây nguy cơ tai nạn cho chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người khác, gây mất an toàn giao thông và trật tự công cộng. Ngoài ra, hành vi này còn làm xấu đi hình ảnh của thế hệ trẻ hiện nay.

Để ngăn chặn và khắc phục tình trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể, các nhà trường và đặc biệt là các gia đình. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Xây dựng văn hóa giao thông, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho cán bộ, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; xây dựng cổng trường an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại khu vực trường học.

Đồng thời, cần có sự quan tâm và giám sát chặt chẽ của các bậc cha mẹ đối với việc sử dụng xe máy của con em mình. Không cho con em điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe, không cho con em sử dụng xe máy đã độ chế hoặc không đảm bảo an toàn. Nếu phát hiện con em có hành vi bốc đầu, lạng lách, đánh võng, cần kịp thời nhắc nhở, răn đe và xử lý nghiêm khắc. Nếu để con em gây hậu quả nghiêm trọng, cha mẹ có thể bị xử lý hình sự về tội giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển gây hậu quả nghiêm trọng.

Chúng ta cần nhận thức rằng, an toàn giao thông là vấn đề liên quan đến sự sống còn của mỗi cá nhân và của cộng đồng. Tham gia giao thông là một quyền và cũng là một nghĩa vụ của công dân. Chúng ta phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tôn trọng quyền lợi của người khác và bảo vệ lợi ích chung. Đó là cách chúng ta thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, qua đó, góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông, đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho chính chúng ta và những người xung quanh.


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan