A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 85 năm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2015)

 

Xô Viết Nghệ Tĩnh là tên gọi chỉ phong trào đấu tranh của lực lượng công nhân và nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 19301931 chống lại đế quốc Pháp tại Việt Nam. Tên gọi Xô viết Nghệ Tĩnh xuất phát từ sự hình thành các ‘xã bộ nông’ mà những chiến sĩ cộng sản trung kiên gọi là ‘Xô Viết‘. Chính quyền Xô Viết hình thành ở các  thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu (Nghệ An) còn ở Hà Tĩnh là các xã thuộc huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê. Các chính quyền Xô Viết một mặt thi hành các chính sách mới, mặt khác phá bỏ hệ thống chính quyền cũ, trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ, đồng thời ra yêu sách với các chủ xưởng, chủ tàu ở vùng này.

 

Ảnh tư liệu


Vì sao có phong trào này? Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 buộc Chính quyền Pháp ở chính quốc thực hiện việc trút gánh nặng  lên các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam, làm cho đời sống người dân bản địa trở nên cơ cực, nhất là ở vùng Nghệ An – Hà Tĩnh, chính vì vậy những người dân ở đây đã phản kháng lại chính sách này để giành quyền dân sinh, dân chủ. Bên cạnh đó, chính sách khủng bố nặng nề về mọi mặt của  thực dân Pháp sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái (2/1930) dẫn đến bầu không khí chính trị thêm căng thẳng và ngột ngạt, từ đó càng làm người Việt Nam thêm bất mãn, phẫn nộ và quyết tâm bạo động chống lại chính quyền Pháp và chính quyền địa phương.

Bắt đầu là cuộc biểu tình của người dân ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Vào ngày 12 tháng 9 năm 1930, ước tính có khoảng 8.000 nông dân kéo về phủ lị và trương các khẩu hiệu như: Bỏ sưu thuếbớt giờ làmchống khủng bố trắng, bồi thường cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc bạo động Yên Bái.., thậm chí là chia lại ruộng đấtĐả đảo chủ nghĩa đế quốc, Đả đảo phong kiến.

 

Ảnh tư liệu


Đoàn biểu tình này xếp hàng dài hơn 1 cây số, tập trung kéo về thành phố Vinh. Theo mô tả, đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đi hai bên là đội viên tự vệ được trang bị các loại dao, gậy. Trên đường đi, đoàn biểu tình có lúc dừng lại để diễn thuyết và chỉnh đốn đội ngũ. Dòng người càng đi càng được bổ sung thêm cho đến khi đến gần Vinh con số đã lên tới 30.000 người và xếp hàng dài tới hơn 4 cây số.

Chính quyền thực dân Pháp đã phản ứng đáp trả mạnh mẽ, họ chủ trương kiên quyết trấn áp. Thực dân Pháp cho máy bay ném bom xuống các đoàn biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên (cách Bến Thủy 10 km), làm chết 217 người và 120 người bị thương. Hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị triệt hạ, 217 nóc nhà bị đốt cháy, 30 người bị bắn chết. Nhiều cơ quan đầu não của Đảng, các cơ sở trong dân bị phá vỡ, nhiều đảng viên, người biểu tình bị bắt giam hoặc hành quyết. Theo ước tính, có hàng trăm người bị bắt, bị kết án tù giam trong các nhà tù ở Nghệ AnĐà NẵngBuôn Mê Thuột, và Côn Đảo. Mặc dù vậy, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn tiếp tục diễn ra.

Nhận thấy tình hình đã chuyển biến nghiêm trọng và có nguy cơ lan rộng, chính quyền Pháp ở thuộc địa đã tập trung lực lượng để đàn áp tiêu diệt phong trào. Đến giữa năm1931, thực dân Pháp trở lại thực hiện chính sách khủng bố, trấn áp phong trào này. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh dần lắng xuống, rồi thoái trào và cuối cùng đi đến thất bại, chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại sau bốn, năm tháng phát động.

Cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ- Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn. Cao trào cách mạng cùng sự ra đời của chính quyền Xô Viết là kết tinh sức mạnh to lớn của khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạn, đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi …

Thanh Nhã (Phòng CTCT)