A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả thiết thực cùng những chuyển biến rõ nét

Trong Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào, giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước, tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo… đây là những kết quả tích cực cho thấy Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã đem lại hiệu quả thiết thực cùng những chuyển biến rõ nét.

C:\Users\Admin\Desktop\20200127122851csgt-kiem-tra-nong-do-con-2-.jpg

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông.                                              Ảnh: baokontum.gov.vn

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an, trong Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cùng với nhiệm vụ công tác trọng tâm đặt ra trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm kéo dài từ 15/11/2019 đến 14/02/2020, lực lượng Cảnh sát giao thông đẩy mạnh tuần tra kiểm soát giao thông liên lực lượng nhằm duy trì, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, hạn chế mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Qua kiểm tra, Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh phát hiện 101 trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông; tạm giữ 53 phương tiện và 46 giấy tờ xe các loại; phạt tại chỗ 02 trường hợp.

Đặc biệt, trong Dịp Tết Nguyên đán năm nay, với sự điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, công tác kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh được siết chặt. Lực lượng Cảnh sát Giao thông tiến hành kiểm tra hàng trăm trường hợp người điều khiển xe ô tô và mô tô, phát hiện hơn 21 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, 01 trường hợp người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25miligam/lít khí thở và 20 trường hợp lái xe mô tô vi phạm nồng độ cồn (trong đó có 09 trường hợp lái xe mô tô vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25miligam/lít khí thở; 05 trường hợp vượt quá 0,25miligam đến 0,4miligam/lít khí thở, 05 trường hợp vượt quá 0,4miligam/lít khí thở và 01 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn). Các trường hợp vi phạm đã bị lực lượng lập biên bản vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, kết quả khả quan đã thể hiện rõ nét trong 07 ngày nghỉ Tết, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào, giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả trên đã cho thấy hiệu quả tích cực từ sự ra đời và tác động mạnh mẽ của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đối với ý thức tham gia giao thông của người dân. Những năm trước đây, tình hình trật tự an toàn giao thông được thống kê mỗi dịp sau Tết thường luôn là vấn đề đáng lo ngại bởi nguyên nhân chính xuất phát từ rượu, bia thì hiện nay, vấn đề tai nạn giao thông dường như đã không còn là nỗi ám ảnh mỗi Tết đến, xuân về. Một so sánh nhỏ cho thấy rõ điều này: Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 07 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả nước xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với cùng kỳ 07 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: giảm 24 vụ (giảm 10,8%), giảm 7 người chết (giảm 5%), giảm 38 người bị thương (giảm 17,9%). Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như đã chỉ rõ ở trên, so với cùng kỳ 07 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong 07 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tai nạn giao thông không xảy ra vụ nào, giảm cả 03 tiêu chí: giảm 01 vụ, giảm 01 người chết, giảm 01 người bị thương.

Từ thực tiễn hàng loạt những vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian qua do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích đã gây tâm lý hoang mang trong người dân. Vì vậy, khi ra đời, chế tài xử lý nghiêm minh của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân; tác động và dần thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân khi tham gia giao thông; thay đổi nhận thức để họ không thực hiện hành vi vi phạm, qua đó tình hình tai nạn giao thông và trật tự an toàn giao thông chuyển biến rõ nét.

Bên cạnh đó, sự nỗ lực, kiên quyết, chủ động của các lực lượng chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông trong triển khai, thi hành và áp dụng luật đã góp phần quan trọng đưa luật đi vào thực tiễn với những hiệu quả thiết thực, rõ nét, hình thành văn hóa tham gia giao thông văn minh, an toàn.

Khánh Vi