A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp cấp bách trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Tại Cuộc họp đánh giá về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, từ tháng 6 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người khiến dư luận bức xúc.

Điển hình, Khoảng 04h sáng ngày 11/7, trên Quốc lộ 14C thuộc địa phận xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Xe ô tô khách khách giường nằm biển kiểm soát số 36B-02232, trên xe chở 40 người lao xuống vực sâu khoảng 20m; làm 06 người chết, 35 người bị thương.

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào tháng 7/2020

Hay vụ TNGT tại Đắk Nông xảy ra ngày 13/6/2020 làm 05 người chết, 05 người bị thương; tại Bình Thuận ngày 21/7 làm 08 người chết, 07 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ TNGT ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người chết, 22 người bị thương và mới đây nhất là vụ TNGT tại quận Long Biên (Hà Nội) ngày 4/8 làm 03 người chết và 01 người bị thương.

Cũng tại Cuộc họp, các đại biểu đã đi sâu phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Theo đó:

(1) Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn nêu trên là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của lái xe, chủ xe như người lái xe điều khiển phương  tiện vi phạm quy định về tốc độ, đi sai phần đường, sai luồng, tuyến đăng ký, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở hàng hoá quá tải trọng cho phép của xe, tình trạng sức khoẻ không đảm bảo, buồn ngủ, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện, lái xe thiếu ý thức, không tuân thủ quy tắc điều khiển phương tiện khi đi trên đoạn đường đèo dốc; các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông theo quy định. Các doanh nghiệp vận tải chưa quản lý chặt chẽ lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, chạy sai lộ trình, không có thiết bị hành trình…

(2) Một số nguyên nhân khác như thời điểm xảy ra tai nạn là ban đêm hoặc sáng sớm, nhiều hành khách ngồi trên xe không thắt dây an toàn, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT; những hạn chế về hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải ô tô; xử lý vi phạm, khắc phục “điểm đen” về TNGT, biển báo, rào chắn, hộ lan, gương lồi không bảo đảm…

Đáng chú ý, là nguyên nhân về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở các cấp chưa thực sự quyết liệt và thường xuyên.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế TNGT trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc nhiều biện pháp, cụ thể:

Thứ nhất, khẩn trương thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các đơn vị doanh nghiệp vận tải; báo cáo ngay về việc xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây TNGT nghiêm trọng trở lên để kịp thời đưa ra các giải pháp. Nghiên cứu bổ sung trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) điều kiện hành nghề đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải, bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải trong tổ chức, lao động, bảo đảm sức khoẻ cho lái xe.

Thứ hai, xử lý ngay các “điểm đen về TNGT; nhất là các “điểm đen” về TNGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm. Trước mắt, ưu tiên cải tạo ngay các “điểm đen” xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 5, 6, 7 vừa qua.

Thứ ba, Từ 01/9/2020, các địa phương tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ qua địa phương, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông.

Thứ tư, Duy trì hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm đối với xe tải, xe khách trong khoảng thời gian từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị phụ trách các tuyến đường đối với tình hình vi phạm TTATGT của xe kinh doanh vận tải.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật về giao thông; đổi mới nội dung và hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

Thứ sáu, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các địa phương có tình hình giao thông phức tạp. Kiểm tra chấn chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm; đảm bảo thành phần đoàn kiểm tra có các lực lượng chức năng có thể xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý vi phạm.

Thái Ngân