Tỉnh táo trước thông tin xuyên tạc sự việc ông Trần Ngọc Thanh bị sát hại
Những ngày vừa qua, vụ sát hại xảy ra tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum dẫn đến cái chết của ông Trần Ngọc Thanh (sinh năm 1981, hộ khẩu thường trú tại 130/1490A đường Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh) là Linh mục giáo xứ Nhà thờ Đăk Mốt, xã Saloong, huyện Ngọc Hồi khiến Nhân dân và dư luận xã hội ở địa phương chưa hết bàng hoàng.
Với sự nỗ lực, khẩn trương, trách nhiệm, ngày 31/01/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú tại thôn Giang Lố 2, xã Saloong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) về tội “Giết người” để điều tra làm rõ động cơ, mục đích giết người và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thế nhưng có những kẻ âm mưu lợi dụng sự việc này để phát tán những luận điệu xuyên tạc với chủ đích bôi đen, đăng tải thông tin suy diễn, xuyên tạc, quy kết về nguyên nhân, bóp méo sự thật, kích động hận thù, gây chia rẽ mối quan hệ giữa Công giáo và dân tộc.
NHANH CHÓNG RA QUYẾT ĐỊNH KHỞI TỐ VỤ ÁN, KHỞI TỐ BỊ CAN VÀ RA LỆNH TẠM GIAM ĐỐI TƯỢNG SÁT HẠI ÔNG TRẦN NGỌC THANH
Sự việc đau lòng xảy ra khoảng 19 giờ 30 phút ngày 29/1/2022 tại điểm sinh hoạt tôn giáo ở nhà bà Y Mới, thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.Vào thời điểm trên, Linh mục Trần Ngọc Thanh, tu sỹ Dòng Đa Minh, 41 tuổi, hộ khẩu thường trú tại 130/1490A đường Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM, người mới được bổ nhiệm đặc trách Giáo họ Sa Loong, thuộc Giáo xứ Đắk Mốt, Giáo phận Kon Tum đang làm lễ cho khoảng 20 giáo dân thì xảy ra án mạng. Hung thủ sử dụng một con dao dài khoảng 40 cm ra tay sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh là đối tượng Nguyễn Văn Kiên, 33 tuổi, hộ khẩu thường trú tại thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Sau khi chém linh mục, đối tượng Nguyễn Văn Kiên còn dùng dao tiếp tục chém người đàn ông ngồi gần cây đàn Piano dưới bàn thờ Chúa nhưng may mắn người này nhanh tay lấy ghế gỗ đỡ đường dao rồi chạy thoát ra bên ngoài. Sau khi khống chế, tước được dao trên tay đối tượng Nguyễn Văn Kiên, những người có mặt nhanh chóng đưa Linh mục Trần Ngọc Thanh đi cấp cứu, song do vết thương quá nặng linh mục đã mất tại bệnh viện lúc 23 giờ 30 phút ngày 29/1/2022.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an huyện Ngọc Hồi cùng đại diện chính quyền địa phương và các Linh mục phụ trách giáo xứ tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai các nhân chứng, đồng thời đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Kiên để điều tra làm rõ động cơ, mục đích giết người và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có thể nhận thấy rằng, mặc dù vụ việc xảy ra trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng với sự nỗ lực, khẩn trương, trách nhiệm, sau thờ gian chưa đầy 3 ngày xảy ra vụ án, đến 31/1/2022 (tức 29 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối tượng Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú tại thôn Giang Lố 2, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) về tội “Giết người”.
QUYỀN TỰ DO, BẤT KHẢ XÂM PHẠM VỀ THÂN THỂ VÀ TÔN TRỌNG NHÂN PHẨM LUÔN ĐƯỢC PHÁP LUẬT VIỆT NAM BẢO VỆ
Hiến pháp Việt Nam đã hiến định và ghi nhận rõ quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, nhục hình của mọi cá nhân. Quyền này cũng được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật, đặc biệt là các Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự.
Theo quy định của Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mọi người dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án Nhân dân hoặc của Viện Kiểm sát Nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người phải đúng pháp luật. Mọi hình thức truy bức, nhục hình, đối xử vô nhân đạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người dân đều bị nghiêm cấm. Ngoài ra, ở Việt Nam, mọi người dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam cũng được bảo hộ các quyền trên.
Nhà nước Việt Nam đặc biệt ưu tiên và đã có những nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người dân, kể cả những người phạm tội. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã dành 33 điều luật quy định những mức án nghiêm khắc đối với các tội trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể và tôn trọng nhân phẩm được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Một mặt, pháp luật nghiêm trị những hành vi xâm phạm quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm thân thể của con người; mặt khác, quy định rất chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp như việc bắt giữ, tạm giam theo hướng ngăn ngừa việc lạm dụng dẫn đến vi phạm.
Bộ luật Hình sự có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình và bức cung. Quy chế trại giam, hiện hành đã quy định cụ thể về chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân; chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chữa bệnh; chế độ lao động, học tập của phạm nhân. Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ; được khám sức khỏe định kỳ, ít nhất 1 năm 1 lần; được học văn hóa để xóa mù chữ, phạm nhân chưa thành niên được phổ cập tiểu học, được nghe phổ biến thời sự, chính sách, học các chương trình giáo dục công dân, được học và việc dạy nghề với phạm nhân chưa thành niên là bắt buộc…
TỈNH TÁO TRƯỚC THÔNG TIN XUYÊN TẠC KIÊN QUYẾT LÊN ÁN, PHẢN BÁC MỌI LUẬN ĐIỆU BÓP MÉO, XUYÊN TẠC SỰ THẬT
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm minh các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Tuy nhiên, nhiều đài phản động như đài RFA, Việt Tân, BBC,… và các đối tượng chống đối lại vu cáo có “bàn tay của chính quyền” sau vụ việc này. Trang Việt Tân trích nguồn tin từ “một người thân cận với Cha kể lại “hung thủ là một người bình thường, không bị điên, càng không ngáo đá, nói nó ngáo đá đó là tin tức bịa đặt, sai sự thật. Từ lúc hắn ta chia tay vợ, thì thường lui tới chơi với những công an viên xã”. Tài khoản facebook LS Lê Công Định thì lập lờ “có bàn tay lông lá” phía sau vụ việc. Rồi các dàn phụ họa bắt đầu đơm đặt, gắn vụ án với tình trạng “vi phạm tự do tôn giáo” ở các tỉnh Tây Nguyên. Hay như tên Nguyễn Đình Thắng (SN 1958, tại TP Hồ Chí Minh, quốc tịch Mỹ), người điều hành BPSOS lên đài RFA liên hệ vụ án với tình trạng “dư luận viên nhắm vào các vị lãnh đạo tôn giáo không phục tùng chính quyền có thể dẫn đến bạo lực”.
Khi sự việc xảy ra, Giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum đã đến viếng linh mục xấu số và thăm gia đình kẻ thủ ác để tìm hiểu nguyên nhân ban đầu, đưa ra thông tin khách quan trong Thư chung gửi giáo dân ngày 04/02/2022. Trong thư, Giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị khẳng định: “Anh Nguyễn Văn Kiên thuộc gia đình Công giáo. Cha mẹ anh hiền lành, ngoan đạo. Anh có hai em trai và một em gái. Em gái học nội trú nhà các soeurs. Tuy nhiên, bản thân anh Kiên thì lơ mơ, không sống đạo. Qua những thông tin có được từ cha mẹ anh Kiên, anh Kiên không phải là người điên, khùng theo cách hiểu thông thường. Anh vẫn biết làm ruộng, làm rẫy, sửa xe…Tuy nhiên, thỉnh thoảng, anh có thể nổi điên quậy phá, chửi bới, đập tivi, đánh đập ngay cả người nhà, thậm chí phá bàn thờ gia đình. Anh còn hoang tưởng bị người ta ức hiếp, ngăn cản không cho lấy vợ. Anh quát mắng mẹ anh khi bà phủ nhận lời anh nói như thế”.
Cần khẳng định một cách khách quan rằng tại Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Do dó, không chỉ có vụ việc này mà, tất cả các vụ việc tương tự xảy ra đều được các cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh các đối tượng theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm. Nhà nước Việt Nam không dung túng, bao che, tiếp tay cho bất kỳ loại tội phạm nào.
Đối với bất kỳ sự việc vụ việc nào, nếu điều tra có sai phạm vi phạm thì sẽ phải xử lý nghiêm, và nếu không cũng xác minh được nguyên nhân từ đâu trong vụ việc cũng sẽ cần được rõ ràng. Trong trường hợp này khi chưa có kết luận điều tra thì không thể nói suy diễn hay quy kết vô căn cứ hay theo cảm tính được. Không ai có quyền thay cơ quan điều tra phán xét bất cứ một sự việc nào, bởi điều đó vô tình khiến bản chất sự việc bị đẩy đi xa và càng xát muối vào nỗi đau gia đình người đã mất chứ không giải quyết được bất cứ việc gì. Sự việc sẽ được điều tra rõ ràng để đi đến tận cùng làm rõ bản chất sự việc để ông Trần Ngọc Thanh được thanh thản ra đi, để cộng đồng Công giáo bớt đau thương, để người quan tâm chính đáng được tường minh.
Nhà nước Việt Nam luôn trân trọng các cơ quan, tổ chức có thiện chí đưa những thông tin đúng, có cơ sở, trên tinh thần xây dựng về quyền con người ở Việt Nam nói chung và quyền sống, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân thể. Nhưng ngược lại, Việt Nam kiên quyết lên án, phản bác mọi luận điệu bóp méo, xuyên tạc sự thật, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam. Bởi những luận điệu, chiêu trò bóp méo, xuyên tạc ấy không hề góp phần thúc đẩy nhân quyền mà thực chất chỉ là hành động xúc phạm, phá hoại các giá trị nhân quyền mà thôi.
Bảo Khánh