A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăng tải hình ảnh sổ đỏ trên mạng xã hội-"Miếng bánh béo bở" cho tội phạm làm giả giấy tờ

Thời gian qua, thị trường bất động sản có sự bùng nổ, tạo ra hiện tượng sốt đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Điều này cũng dẫn đến số lượng người có nhu cầu mua, bán đất đai ngày càng tăng, giá đất cũng tăng rất nhanh chóng. Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng nhanh chóng nhận ra đây là cơ hội rất tốt để thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có hành vi làm giả sổ đỏ. 

Quảng cáo làm giấy tờ giả công khai

Chỉ với vài cú kích chuột trên mạng, người có nhu cầu có thể tìm thấy hàng chục trang web bán giấy tờ giả được quảng cáo ở phần đầu giao diện tìm kiếm Google. Các trang web này có một điểm chung đó là được quảng cáo rất bùi tai và không bao giờ thể hiện mình làm giấy tờ giả.

Sổ đỏ giả được quảng cáo cam kết về chất lượng

Thay vào đó, các đối tượng này sử dụng các từ như "Nhận làm tất cả các loại giấy tờ theo yêu cầu", "Nhận làm sổ hồng, sổ đỏ"… với quảng cáo giấy tờ làm ra giống y như thật. Để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng chỉ giao dịch thông qua ứng dụng zalo, số điện thoại tìm kiếm được đăng tải công khai trên trang web. Tuy nhiên khách hàng của các dịch vụ kiểu này đại đa số là các đối tượng xấu, đặt

Đặt làm giả giấy tờ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn của các đối tượng này đó là thu thập các thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rao bán trên mạng Internet. Nhiều người dân không lường trước được chính là hình ảnh sổ đỏ với những thông tin cá thể về tên tuổi, chứng minh thư nhân dân ,vị trí, diện tích quy hoạnh, hình thái thửa đất… đã vô tình trở thành “mồi ngon”, bị những đối tượng xấu sao chụp lại. Mục đích của chúng là làm giả bìa đất bằng thông tin thật rồi rao bán với giá rẻ .Sau khi giả danh là người môi giới, liên lạc với những người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để tìm hiểu và xem giấy tờ có liên quan.

Nhóm đối tượng yêu cầu người bán gửi các giấy tờ như sổ đỏ, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… qua mạng xã hội. Sau đó, các đối tượng sẽ tiến hành làm giả các giấy tờ này rồi hẹn gặp người bán đất để xem giấy tờ đất trước khi tiến hành mua bán.

Trong lúc chủ đất sơ hở, các đối tượng sẽ đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng giấy tờ giả. Tiếp đó các đối tượng sẽ làm giả hồ sơ để bán chính những mảnh đất trong giấy tờ vừa đánh tráo được.

Khi gặp khách, các đối tượng sẽ cho người mua xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và giấy các giấy tờ có liên quan để trao đổi, thỏa thuận giá cả mua bán. Sau đó tiến hành chuyển nhượng tại phòng công chứng và chiếm đoạt tiền của người mua

Không những thế các đối tượng còn làm được các loại giấy tờ giả mang tên chủ đất, rồi sử dụng các loại giấy tờ giả đó để giao dịch, mua bán miếng đất đó, sau đó kiếm một số tiền rất lớn với tư cách chủ đất. Một thủ đoạn khác của các đối tượng này là mang sổ đỏ giả đi cầm cố rồi chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Đăng ảnh sổ đỏ trên mạng xã hội là vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu

Làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khó nhất là tìm ra nguồn thông tin để "thật hóa". Bởi vậy, khi người dân là chính chủ khoe sổ đỏ lên mạng xã hội đã vô tình cung ứng nguồn thông tin đó, vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu. Hiện chi phí để các đối tượng làm giả bìa đất khá rẻ trong khi những đối tượng người dùng phạm tội ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó một bộ phận người dân giao dịch đất thường là những người có tiền, muốn đầu tư kinh doanh và lựa chọn lĩnh vực bất động sản nhưng lại nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, nóng vội trong khi lại thiếu kiến thức chuyên môn cũng như sự suy xét, đánh giá về các tình huống, thiếu hiểu biết về các thủ đoạn phạm tội của đối tượng. Lợi dụng sơ hở này các đối tượng từ đó có thể nắm bắt được những điểm yếu của người dân và thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Rất nhiều người dân vẫn giữ thói quen đăng tải các loại sổ hồng, sổ đỏ lên mạng xã hội

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận và thu thập thông tin cá nhân của người khác, đồng thời làm giả các giấy tờ, tài liệu, bao gồm sổ đỏ một cách rất tinh vi, khó bị phát hiện. Ngoài ra, đối tượng còn sử dụng nhiều thủ đoạn khác, có sự móc nối chặt chẽ với nhau nên rất nhiều người bị hại mắc bẫy đối tượng và bị chiếm đoạt tài sản với số lượng rất lớn.

Thủ đoạn lừa đảo bằng sổ đỏ giả, làm giả sổ đỏ quyền sử dụng đất vẫn còn len lỏi trong các giao dịch mua bán nhà đất hiện nay và ngày càng tinh vi. Vì vậy, bảo mật thông tin cá nhân cũng chính là cách người dân tự bảo vệ mình trước những rủi ro về mặt pháp lý cũng như phòng ngừa có hiệu quả trước các thủ đoạn ngày càng biến hóa khôn lường của các đối tượng xấu.

Nhằm phòng tránh các rủi ro đáng tiếc, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân không nên đăng tải các loại giấy tờ, đặc biệt là các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mạng xã hội. Trường hợp bất đắc dĩ khi đăng tải hình ảnh các loại giấy tờ, người dân cần phải triển khai giải pháp bảo mật thông tin bằng cách che, làm mờ tên, số chứng minh thư. 

Trước khi thanh toán giao dịch, người cho vay/mua đất, cần trực tiếp mang giấy ghi nhận đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra và xác định về thông tin của thửa đất, người chiếm hữu rồi mới triển khai kí hợp đồng mua và bán, đặt cọc, giao tiền. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao Tỉnh Kon Tum (https://www.facebook.com/anninhmangkontum) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

 

 

 


Tác giả: Trung Đức