A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi tố đối tượng giả danh cán bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công an huyện Ngọc Hồi đã Xác lập chuyên án, điều tra, khởi tố đối tượng giả danh cán bộ Công an huyện Ngọc Hồi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khoảng cuối tháng 6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Ngọc Hồi nhận được tin báo của ông Bùi Minh Huy (40 tuổi, trú tại Thôn 1, Đăk Kan, Ngọc Hồi) về việc có một tài khoản Zalo tên “Xuân Hoan” tự xưng là cán bộ Công an huyện Ngọc Hồi và yêu cầu ông Huy gửi tiền cho mình. Do có quen biết và tin tưởng (vì biết ông Hoan đúng là cán bộ Công an huyện Ngọc Hồi) nên thời gian qua ông Huy đã 2 lần chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp. Đến ngày 02/7/2024, tài khoản Zalo này tiếp tục thúc giục, yêu cầu Huy gửi tiền cho mình nên Huy nảy sinh nghi vấn, qua tìm hiểu thì mới biết mình đã bị lừa và trình báo sự việc với cơ quan Công an. Sau khi tiếp nhận nguồn tin, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo xác lập Chuyên án để tập trung đấu tranh làm rõ vụ việc trên.

Ban chuyên án đã huy động nhiều lực lượng, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đồng thời sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để tập trung xác minh. Đến khoảng 15g30p ngày 02/7/2024, tổ công tác đã bắt quả tang đối tượng khi đang thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền mà bị hại giao đến. Đáng chú ý, nhằm tăng sự tin tưởng, đối tượng đã rất liều lĩnh khi yêu cầu người bị hại đem tiền đến tận cổng Công an huyện để nhận sau đó trực tiếp đến và yêu cầu cán bộ trực cổng cho nhận túi đồ gửi cho “anh Hoan”.

Khởi tố bị can Hà Văn Quỳnh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ban đầu, đối tượng khai nhận tên là Hà Văn Quỳnh (28 tuổi, trú tại: TDP 4, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) nhưng kiên quyết không nhận tội, khai báo quanh co, gian dối. Tuy nhiên, trước tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm cùng những lập luận sắc bén của Cơ quan điều tra, đối tượng đã khai nhận hành vi giả danh cán bộ Công an huyện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng tài khoản Zalo “Xuân Hoan” và nhắn tin yêu cầu bị hại chuyển tiền cho mình. Quá trình kiểm tra phát hiện 01 điện thoại di động hiệu OPPO A16K, màu đen, Quỳnh khai nhận đây là phương tiện mà Quỳnh sử dụng trong quá trình lừa đảo. Đáng chú ý, Quỳnh là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, trong đó có 01 tiền án về tội Hiếp dâm, 01 tiền án về tội Giao cấu với trẻ em. Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 05/7/2024, Công an huyện Ngọc Hồi đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 25, Quyết định khởi tố bị can đối với Hà Văn Quỳnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan Công an, đối tượng ngoan cố không khai nhận dù có đầy đủ nhân chứng, vật chứng

Chiêu trò lừa đảo giả danh Công an đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ tin học như hiện nay, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điều này để thực hiện thủ đoạn một cách tinh vi hơn. Các đối tượng lừa đảo đều sử dụng thủ đoạn chung là thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội (facebook, zalo) để liên lạc với bị hại (gọi điện, nhắn tin). Ngoài ra còn một số hình thức lừa đảo khác phổ biến như:

(1) Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân đang điều tra vụ án, làm giả các Lệnh bắt tạm giam và Quyết định tạm giữ, niêm phong tài sản gửi cho người bị hại, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản mà chúng cung cấp hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về số tiền tiết kiệm, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền… để phục vụ điều tra và hẹn sẽ trả lại sau khi chứng minh họ vô tội. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng lập tức chiếm đoạt và xóa, chặn thông tin liên hệ.

(2) Giả danh cán bộ Cảnh sát giao thông yêu cầu người dân nộp phạt nguội.

(3) Giả danh Công an hướng dẫn cài đặt VNeID, cài đặt định danh điện tử mức độ 2, thậm chí là mức độ 3. Đây là một trong những chiêu trò phổ biến thời gian gần đây do hiện nay, vẫn còn nhiều người dân chưa hoàn thiện thủ tục cài đặt VNeID.

(4) Hiện nay đã xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để "hỗ trợ" cài đặt sinh trắc học. Hiện, các ngân hàng thường không liên hệ trực tiếp với người dân để thu thập thông tin sinh trắc học. Nếu không tự thao tác được, người dân có thể trực tiếp đến quầy giao dịch!

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015: Người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi nên ngay cả khi có sự can thiệp của cơ quan Công an, việc giải quyết cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, người dân cần tự cảnh giác để không bị sập bẫy lừa đảo. Cần tỉnh táo, cảnh giác trước các giọng điệu đe dọa; không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định; Chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống tại App Store/CH Play. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần bình tĩnh, không hoang mang lo sợ, đề cao cảnh giác đồng thời báo tin qua số điện thoại Công an huyện: 02603832117, truy cập mục tố giác tội phạm trên phần mềm VNeID hoặc báo ngay cho Cơ quan Công an gần nhất để kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm./.


Tác giả: Phương Thảo