A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bàn về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum

 

Vấn đề tuyên truyền, giáo dục cho mỗi công dân hiểu pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật trong đó có pháp luật giao thông là vấn đề có tính chất tiền đề để xây dựng một trật tự xã hội mới và được xác định là công tác trọng tâm, căn bản trong việc nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm hành chính (VPHC) về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đảm bảo TTATGT.

Bản chất của hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định của chủ thể tuyên truyền tác động đến đối tượng được tuyên truyền để hình thành ở họ những tri thức pháp luật, tôn trọng pháp luật và thái độ kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật; từ đó họ tự điều chỉnh hành vi xử sự của mình cho phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Nguyên nhân cơ bản, xuyên suốt của tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông và VPHC về TTATGT vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật giao thông nói riêng đóng một vai trò rất quan trọng; là biện pháp cơ bản, mang tính chiến lược và có ý nghĩa quyết định đến việc kiềm chế, tiến tới làm giảm TNGT, ùn tắc giao thông và VPHC về TTATGT trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh; những năm qua, lực lượng CSGT đã xác định các đối tượng thiết yếu, lựa chọn phương pháp thích hợp, phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác này:

Từ năm 2011 – 2017 đã tổ chức tuyên truyền ngoại khóa pháp luật giao thông tại các cụm dân cư, các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học với nhiều khẩu hiệu như: “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ”, “Tính mạng con người là trên hết”, “Không chở quá tải, quá số người quy định”, “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”, “Đã uống rượu, bia – không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy – bảo vệ chính mình”, “Dừng lại quan sát khi qua đường”… cho hơn 90.184 lượt người tham gia; phát trên 175.010 tờ rơi về an toàn giao thông; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu an toàn giao thông, duy trì hiệu quả 11 chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật giao thông trên Báo Kon Tum, Đài phát thanh – truyền hình tỉnh; lập chuyên mục “An toàn giao thông” trên Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum với các thông tin về an toàn giao thông được cập nhật, bổ sung thường xuyên, kịp thời, đặc biệt đã xây dựng ngân hàng câu hỏi, đáp án các tình huống thường xuyên gặp phải khi tham gia giao thông, các quy định mới của pháp luật có liên quan, trong đó đã được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho nhân dân trong quá trình nắm bắt thông tin và áp dụng thực hiện. Thông qua các đợt cao điểm xử lý VPHC về TTATGT theo chuyên đề, lực lượng CSGT đã đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích pháp luật giao thông đối với người vi phạm và người tham gia giao thông, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Treo áp phích tuyên truyền pháp luật giao thông tại nơi công cộng

Tuyên truyền pháp luật giao thông thông qua công tác xử lý vi phạm hành chính về TTATGT

Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai có hiệu quả các mô hình tự quản về TTATGT ở các khu dân cư, thôn, xóm…, các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân giữ gìn TTATGT; phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn thanh niên, Bảo vệ dân phố… trong tham gia đảm bảo TTATGT. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, ý thức trách nhiệm của người dân trong phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý các hành vi VPHC về TTATGT; quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng CSGT hàng trăm nguồn tin về TTATGT, tham gia bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn khi xảy ra TNGT cũng như tố giác những hành vi vi phạm, sẵn sàng phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý VPHC về TTATGT một cách nhanh chóng, chính xác và khách quan.

Đạt được kết quả như trên là nhờ sự quan tâm của các các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia, phối hợp của nhiều ban, ngành, đoàn thể; tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, công tác tuyên truyền có nơi có lúc chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, một bộ phận dân cư còn ý thức rất kém trong chấp hành pháp luật giao thông (năm 2017, thông qua công tác tuần tra kiểm soát giao thông, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã phát hiện 19.143 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ). Do đó, thời gian tới cần phải thực hiện những giải pháp sau:

Một là, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong đó chủ thể giữ vai trò trực tiếp, nòng cốt là các cơ quan bảo vệ pháp luật: Cơ quan Tư pháp, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức tư vấn pháp luật. Ngoài ra, còn có các cơ quan truyền thông địa phương, ngành giáo dục – đào tạo, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ… Các cơ quan bảo vệ pháp luật bên cạnh việc đưa các tin, bài phóng sự về TTATGT để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cần kịp thời thông báo các vụ TNGT có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phân tích các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT để cho người được tuyên truyền tự xây dựng cho mình ý thức chấp hành pháp luật; vận động người thân, bạn bè chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông.

Các cấp ủy, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, đoàn viên, hội viên tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật giao thông và lồng ghép vào nội dung sinh hoạt định kỳ của Chi bộ đảng, tổ chức chính trị – xã hội; đưa văn hóa giao thông vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở nơi dân cư”, “Xây dựng gia đình văn hóa, thôn xóm văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền:

Tiếp tục duy trì 11 chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền pháp luật giao thông trên Báo Kon Tum, Đài phát thanh – truyền hình tỉnh; chuyên mục “An toàn giao thông” trên Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum; thường xuyên cập nhật, bổ sung ngân hàng câu hỏi, đáp án các tình huống thường gặp khi tham gia giao thông, các quy định mới của pháp luật.

Tổ chức tập huấn Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật có liên quan; ký cam kết không vi phạm quy định về an toàn giao thông cho cán bộ, nhân viên, đội ngũ lái xe của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách; tuyên truyền chuyên đề về an toàn giao thông tại các khu đông dân cư, địa bàn cơ sở, cụm dân cư hai bên các tuyến giao thông trọng điểm, phức tạp. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, ban đại diện phụ huynh và cha mẹ học sinh trong việc giáo dục, nhắc nhở con em tự giác chấp hành các quy định về TTATGT.

Tuyên truyền bằng các khẩu hiệu, xây dựng các tờ rơi, pa nô, áp phích, biển cảnh báo, hướng dẫn với nhiều khẩu hiệu như “Đã uống rượu, bia – không lái xe”, “Tính mạng con người là trên hết”, “Không chở quá tải, quá số người quy định”, “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”…

Sân khấu hóa nội dung tuyên truyền thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia: Tổ chức các buổi văn nghệ quần chúng, các cuộc thi sáng tác văn thơ, tranh ảnh, nhạc, kịch về chủ đề TTATGT như “Sắc vàng trên các tuyến đường”, “Bình yên trên mọi nẻo đường”... Phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông cho cán bộ, công chức, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; chiếu phim phóng sự, giáo dục với chủ đề an toàn giao thông tại nơi xử lý vi phạm, đăng ký phương tiện để tuyên truyền pháp luật cho nhân dân nhằm khích lệ, cổ vũ tinh thần cho quần chúng nhân dân tham gia quản lý nhà nước về TTATGT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông.

Ba là, kết hợp giữa công tác xử lý VPHC về TTATGT với việc quản lý, giáo dục đối tượng vi phạm, tuyên truyền vận động quần chúng tham gia bảo vệ TTATGT:

Lực lượng CSGT trong quá trình xử lý VPHC về TTATGT cần đặc biệt coi trọng việc phân tích lỗi vi phạm, chỉ rõ tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi vi phạm và những chế tài áp dụng nhằm giúp người vi phạm nhận thức đầy đủ, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

Làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng “gương người tốt, việc tốt” đối với quần chúng nhân dân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo TTATGT; bên cạnh đó, cần phân tích, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, lên án và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT.


Thái Ngân