A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thiết ban hành Thông tư quy định hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện trong Công an nhân dân

Vừa qua, Cục công tác đảng và công tác chính trị đã có tờ trình ban hành Thông tư quy định hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện trong Công an nhân dân. Theo đó, việc ban hành thông tư nhằm xác định quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn, căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng trong tổ chức hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện bảo đảm tính thống nhất, chuẩn hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh quá trình liên thông, liên kết, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện.

Về cơ sở pháp lý, theo Cục Công tác đảng và công tác chính trị, ngày 21/11/2019, Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Thư viện được xác định là một cơ quan, tổ chức hoặc một bộ phận của cơ quan tổ chức cung cấp dịch vụ công. Thư viện được Nhà nước bảo trợ với mục đích việc hỗ trợ quyền tiếp cận thông tin và lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản của công dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học và văn hóa cho công dân, truyền bá văn minh của nhân loại, gìn giữ sự tự tôn trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an, tại Khoản 1 Điều 49 Luật Thư viện quy định: “Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý tổ chức và hoạt động thư viện lực lượng vũ trang nhân dân”. 

Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thư viện, trong đó quy định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư; về tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học được Nhà nước đầu tư; về không gian đọc, phòng đọc cơ sở; về điều kiện thành lập thư viện; về trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện; về liên thông thư viện trong Luật Thư viện. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Điều 15 Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định: Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân thành lập theo quy định của Luật Thư viện và quy định riêng của Chính phủ. 

Về cơ sở thực tiễn, năm 2020, Luật Thư viện được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 đã góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện, tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của công dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Sự ra đời của Luật Thư viện tác động trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước về thư viện, dẫn tới cần sự thống nhất trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Thư viện cần được kiện toàn, củng cố và phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu mới về vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với xu hướng, thói quen của người sử dụng thư viện để thư viện không chỉ trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, khoa học mà còn là môi trường giáo dục ngoài nhà trường đáp ứng các yêu cầu phục vụ học tập suốt đời, hình thành thói quen và phát triển văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng khác. Hiện nay, hệ thống thư viện trong Công an nhân dân đã có sự phát triển và cải thiện về chất lượng công tác thư viện; bước đầu xây dựng được hệ thống thư viện từ cơ quan Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương: Thư viện Công an nhân dân quy mô cấp Bộ; thư viện cấp cục trực thuộc Bộ; thư viện các học viện, trường Công an nhân dân; thư viện, phòng đọc, tủ sách tại Công an các tỉnh, thành phố; Thư viện, phòng đọc, tủ sách thuộc các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; trong đó, một số thư viện đã được đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa công tác thư viện. 

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước còn chưa thực hiện đầy đủ và toàn diện. Chưa có tiêu chí rõ ràng để xây dựng, tổ chức quản lý thư viện từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, đầu tư chưa tương xứng, kịp thời với sự thay đổi phát triển của thư viện; việc chỉ đạo triển khai áp dụng các chuẩn nghiệp vụ đã được quan tâm đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn; chưa thống nhất về các tiêu chuẩn nghiệp vụ, lúng túng trong tổ chức, vận hành, thiếu sự kết hợp, trao đổi và hợp tác trong công tác chuyên môn nghiệp vụ; hướng dẫn chuyển giao công nghệ... ; chưa phát huy hiệu quả của thiết chế văn hóa thư viện và tạo ra môi trường đọc thuận lợi góp phần đẩy mạnh học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. 

Triển khai Luật Thư viện Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCA-X03 ngày 07/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân, Hướng dẫn số 7036/HD-X03-P4 ngày 07/10/2020 thực hiện chỉ thị. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ đã có 84/126 (66,7%) Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, 100% các đơn vị có chương trình triển khai nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Bộ triển khai đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển công tác thư viện và văn hóa đọc nhằm đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần; xây dựng và phát triển thói quen, hình thành nhu cầu, kỹ năng và văn hóa đọc trong cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Với việc thực hiện chỉ thị nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp về vai trò, vị trí tầm quan trọng của công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc đã được nâng cao; hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách trong Công an nhân dân tiếp tục được củng cố, đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo theo hướng hiện đại, đồng bộ có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc và thông tin của cán bộ, chiến sĩ; công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá phát triển văn hóa đọc được tăng cường; thúc đẩy mở rộng giao lưu hợp tác và công tác xã hội hóa phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân và cộng đồng xã hội. 

Tuy nhiên, đặc thù của các đơn vị vũ trang, việc sử dụng thư viện của cán bộ, chiến sĩ nghiệp vụ không thuận tiện về không gian, thời gian, do vậy để đảm bảo các điều kiện tiếp cận tài liệu thuận lợi các thư viện cần nhanh chóng hướng đến kết hợp truyền thống và hiện đại để đảm bảo cán bộ, chiến sĩ có thể tiếp cận, sử dụng tài liệu, dịch vụ thư viện mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Với những cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn nêu trên, việc nghiên cứu ban hành Thông tư quy định hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện trong Công an nhân dân là rất cần thiết.

Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 18 điều: Chương I: Quy định chung, gồm 05 Điều (Điều 1 đến Điều 5). Chương II: Quy định hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện trong CAND cụ thể, gồm 11 điều (Điều 6 đến Điều16). Chương III: Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 17 và Điều 18); được đăng lấy ý kiến trong vòng 60 ngày trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. 

Xem dự thảo thông tư tại đây


Tác giả: BBT
Tin liên quan