A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hình phạt tử hình theo quy định Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015; ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015. Việc ban hành bộ luật này đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn thiện pháp luật hình sự của Nhà nước ta, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra và đảm bảo hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, trong đó những quy định mới về hình phạt cao nhất-tử hình là một bước đột phá đáng ghi nhận.

Đối tượng Nguyễn Hải Dương trong vụ án sát hại 06 người trong một gia đình ở Bình Phước bị kết án tử hình

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội, được quy định trong BLHS và do Tòa án quyết định. Trong Luật Hình sự Việt Nam, tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt cao cho xã hội. Hình phạt tử hình cùng với các hình phạt khác trong pháp luật hình sự đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội của đất nước qua các thời kỳ.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm cũng như bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự, bảo vệ công lý và giữ vững ANTT thì việc duy trì hình phạt tử hình là cần thiết. Tuy nhiên, tử hình là hình phạt tước đi quyền sống-quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và phục thiện của người bị kết án. Theo nhận định của các chuyên gia, không một nền tư pháp nào trên thế giới có thể bảo đảm chính xác tuyệt đối, không có oan sai. Việc oan sai trong áp dụng hình phạt tù và các hình phạt không tước tự do thì có thể khắc phục được, còn oan sai trong áp dụng hình phạt tử hình thì không còn khả năng khắc phục sai lầm. Do vậy, cùng với sự phát triển văn minh nhân loại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi yêu cầu bảo vệ quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng ngày càng được đề cao trong Hiến pháp năm 2013 thì việc giảm hình phạt tử hình và hạn chế trường hợp áp dụng hình phạt tử hình là yêu cầu tất yếu.

Lịch sử lập pháp của Việt Nam đã chứng minh, việc nghiên cứu thu hẹp phạm vi quy định và áp dụng hình phạt tử hình luôn được nhà làm luật và áp dụng luật pháp Việt Nam quan tâm, đây là chủ trương lớn được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và được thể chế hóa khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung BLHS qua các thời kỳ. Bộ luật hình sự đầu tiên của Nhà nước ta năm 1985, sau 4 lần sửa đổi, bổ sung, số lượng các điều luật quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm cụ thể là 44 điều (chiếm tỷ lệ 14,89% các điều luật). Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và hội nhập quốc tế, BLHS năm 1999 được ban hành thay thế BLHS năm 1985 đã loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh cụ thể, giảm số điều luật có quy định hình phạt tử hình xuống còn 29 điều (chiếm tỷ lệ 11% tổng số điều luật). Đến năm 2009, sau khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 thì số điều luật quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm cụ thể là 22 điều. Như vậy, có thể thấy rõ phạm vi quy định về hình phạt tử hình trong luật hình sự Việt Nam giảm dần theo thời gian qua các lần sửa đổi, bổ sung BLHS.

Tại Chương VI của BLHS năm 2015 gồm 16 điều (từ Điều 30 đến điều 45) quy định về hệ thống hình phạt. Đây là một trong những chương quan trọng, có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, đặc biệt là chủ trương: “Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, góp phần đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả của hệ thống hình phạt. Đồng thời, với quan điểm đặt ra việc xây dựng BLHS mới phải “Đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và chủ thể phạm tội, đảm bảo các quy định của BLHS không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để bảo vệ sự phát triển lành mạnh các quan hệ kinh tế-xã hội…”, vì vậy, đối với hình phạt tử hình, tại điều 40, BLHS năm 2015 sửa đổi theo hướng giảm hình phạt tử hình. Đây là quan điểm hoàn toàn phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhất là khi chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc giảm hình phạt tử hình được thể hiện trên các phương diện:

Thứ nhất, giảm tội danh có quy định hình phạt tử hình. Theo quy định của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), có 29 tội danh quy định tại 22 điều luật có quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình (Tội phản bội Tổ quốc-Điều 78, Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân-Điều 79, Tội gián điệp-Điều 80, Tội bạo loạn-Điều 82, Tội hoạt động phỉ-Điều 83, Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân-Điều 84, Tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam-Điều 85, Tội Giết người-Điều 93, Tội Hiếp dâm trẻ em-Điều 112, Tội cướp tài sản-Điều 133, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh-Điều 157, Tội sản xuất trái phép chất ma túy-Điều 193, Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy-Điều 194, Tội khủng bố-Điều 230a, Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia-Điều 231, Tội tham ô tài sản-Điều 278, Tội nhận hối lộ-Điều 279, Tội chống mệnh lệnh-Điều 316, Tội đầu hàng địch-Điều 322, Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược-Điều 341, Tội chống loài người-Điều 342, Tội phạm chiến tranh-Điều 343). Nhưng, tại BLHS năm 2015 bỏ quy định hình phạt tử hình ở 08 tội danh quy định tại 07 điều luật, đó là: Tội cướp tài sản (Điều 168), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252), Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303), Tội chống mệnh lệnh (Điều 394), Tội đầu hàng địch (Điều 399). Như vậy, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với 18 tội danh thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do bộ luật này quy định.

Thứ hai, mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình: Ngoài người chưa thành niên khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử như quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 bổ sung quy định người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử cũng không bị áp dụng hình phạt tử hình.

Thứ ba, mở rộng đối tượng không bị thi hành hình phạt tử hình. Ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 bổ sung 02 trường hợp bị kết án tử hình nhưng không bị thi hành mà chuyển thành tù chung thân: (1) Người bị kết án là người từ đủ 75 tuổi trở lên; (2) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư (3/4) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên có lợi cho người phạm tội, góp phần thể hiện rõ nét tính nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta; vừa phù hợp với tính chất nguy hiểm của từng loại tội phạm, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, chặt chẽ, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đây không chỉ là sự học hỏi, kế thừa kinh nghiệm lịch sử lập pháp của thế giới mà còn là mốc đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của hoạt động lập pháp Việt Nam trong bối cảnh vấn đề nhân quyền-quyền con người đang được đặt ra với sự quan tâm cao của toàn cầu./.

Khánh Vi