A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao nhận thức của người dân về Luật An ninh mạng

 

Lợi dụng việc Quốc hội họp thông qua dự luật An ninh mạng, các đối tượng chống phá Việt Nam trong và ngoài nước đã tung tin xuyên tạc về nội dung và tính chất của dự luật; từ đó kích động, xúi giục người dân tụ tập đông người biểu tình, gây rối ANTT. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của quần chúng về Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết để mỗi người dân không trở thành “công cụ” thực hiện âm mưu phá hoại của các đối tượng xấu.

Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019

Dự thảo Luật An ninh mạng được xây dựng từ cuối năm 2016 trên cơ sở Nghị quyết số 22/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và giao Bộ Công an là cơ quan soạn thảo. Ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật An ninh mạng đã được thông qua với 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Có thể nói, sự ra đời của Luật An ninh mạng là bước đột phá trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, đảm bảo quyền và nghĩa vụ công dân trên không gian tưởng chừng như rất rộng lớn và khó kiểm soát.

Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta nghe và xem rất nhiều những thông tin về thực chất nội dung và sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng trong bối cảnh trong nước và thế giới như hiện nay. Các nhà làm luật, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành cũng đã khẳng về tính khả thi và ưu việt của Luật. Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư mong muốn cử tri, nhân dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bởi lẽ Đảng ta là Đảng của Bác Hồ, không có mục đích nào khác là vì nước vì dân; mọi luận điệu phản đối dự án Luật này bản chất sâu xa là xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của người dân để âm mưu làm việc xấu, cần nghiêm trị. Có thể thấy rõ, từ thực tiễn tình hình khu vực và thế giới, xuyên suốt quá trình xây dựng dự thảo, trên cơ sở lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là sự quyết định của các đại biểu Quốc hội, Luật An ninh mạng đi vào đời sống sẽ đảm bảo tốt hơn môi trường kinh doanh lành mạnh, là cơ sở pháp lý quan trọng giúp lực lượng chuyên trách xử lý những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng một cách kịp thời và hiệu quả.

Trên thế giới, từ lâu, nhiều quốc gia đã nhận thức rõ về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao nên đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, văn bản pháp luật như luật hoặc văn bản dưới luật tại hơn 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO… nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. Chỉ trong vòng 06 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng. Theo thống kê, Việt Nam là nước đứng thứ 13 trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng Internet cao nhất trên thế giới, đồng thời cũng là quốc gia nằm trong nhóm bị tấn công mạng nhiều nhất. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã ghi nhận hơn 1.500 cuộc tấn công mạng. Cùng với đó, các thế lực thù địch và bọn tội phạm triệt để lợi dụng tính năng tiện ích của Internet, đặc biệt là mạng xã hội tiến hành hoạt động xâm phạm ANTT, gây bất ổn trong dư luận. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam chưa có luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là phù hợp với xu thế của thế giới, góp phần đắc lực trong việc triển khai bảo đảm an ninh mạng cũng như công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động sử dụng Internet để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên với nội dung điều chỉnh được đưa ra, Luật An ninh mạng trở thành “cái gai” đối với các đối tượng xấu bởi lẽ chúng mất đi công cụ quan trọng, có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng lớn là Internet và mạng xã hội. Vì lo sợ sẽ bị tước bỏ điều kiện hoạt động và bị pháp luật xử lý bởi nội dung các hành vi bị cấm được quy định tại Luật An ninh mạng nên chúng đã ra sức bằng mọi cách tác động, tuyên truyền, hướng lái dư luận, chống phá, cản trở việc thông qua dự thảo Luật An ninh mạng bằng các hoạt động cụ thể trước và trong khi diễn ra kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Một trong số đó phải kể đến việc các đối tượng tập trung đăng tải thông tin lên mạng xã hội, blog, web phản động tuyên truyền, xuyên tạc rằng “đây là luật chống lại loài người”, “nhằm bịt miệng dân chủ”, “đàn áp người bất đồng chính kiến”,  “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”…, kích động, kêu gọi báo chí, những cá nhân, doanh nghiệp công nghệ thông tin phản ứng về dự luật, xúi giục người dân tụ tập đông người, biểu tình, gây rối ANTT, phá hoại tài sản, tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ…

Trước những luận điệu trên, Bộ Công an đã khẳng định đây là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc với mục đích cản trở, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng. Luật An ninh mạng không có những quy định nêu trên, không tạo rào cản, không tăng thủ tục hành chính, không cấp giấy phép con và không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của các tổ chức, cá nhân. Trái lại, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng đã dành riêng một chương quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về ANTT; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng. Suy cho cùng, những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng xấu chỉ là cái cớ do chúng bịa đặt ra để lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân nhằm hiện thực hóa mưu đồ chính trị, trong đó kích động, xúi giục người dân tụ tập đông người, biểu tình gây rối ANTT là hoạt động điển hình.  

Và thực tế cho thấy rằng, ở một số địa phương, mặc dù một số người dân với tinh thần “dân chủ, bảo vệ quyền công dân” phản đối Luật An ninh mạng, song mấy ai trong số họ biết rõ, hiểu rõ nội dung Luật An ninh mạng là gì, phạm vi điều chỉnh ra sao, mục đích pháp lý như thế nào hay chỉ a dua, a tòng, hiếu kỳ hoặc được trả tiền cùng với những lời kích động, xúi giục, rỉ tai của các đối tượng xấu. Do đó, quan trọng lúc này, công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung dự án Luật cũng như vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cần được đẩy mạnh bởi lẽ nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyết sách đều vì lợi ích nhân dân, không thể để bất cứ một thế lực nào lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ, phá hoại chính sách pháp luật-công cụ quản lý xã hội tối thượng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Luật An ninh mạng được ban hành nhằm mục đích lớn nhất là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân theo đúng tôn chỉ hoạt động lập pháp đặt ra. Để Luật An ninh mạng phát huy những giá trị tích cực và là công cụ hữu hiệu quan trọng trong quản lý xã hội, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành chức năng, hơn ai hết mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức cảnh giác, hiểu rõ, hiểu đúng về luật An ninh mạng; không tin, không nghe theo và kiên quyết đấu tranh, phản bác luận điệu kích động, xúi giục, xuyên tạc, lừa phỉnh của các đối tượng xấu để bảo vệ quyền, lợi ích của chính bản thân mình, góp phần phát huy giá trị pháp lý của công cụ quản lý nhà nước quan trọng này trong giữ gìn sự bình yên, phát triển vững mạnh của quốc gia trên không gian mạng quá đỗi quen thuộc với mỗi cá nhân.


Khánh Vi