A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly toàn xã hội

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng ở mức đáng lo ngại, việc cách ly toàn xã hội, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết là yêu cầu cần được thực hiện nghiêm túc với ý thức tự giác của mỗi người dân.

Những ngày qua, một số ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng đã cho thấy nguy cơ lây nhiễm cao của dịch bệnh COVID-19. Với quá trình dịch tễ phức tạp, việc rà soát, xác định những người tiếp xúc gần với các ca bệnh này hết sức khó khăn với số lượng người liên quan lớn. Các ca bệnh 237, 243 phát hiện thời gian gần đây đã đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người, thậm chí tiếp xúc nhiều y, bác sĩ tại các bệnh viện. Đáng chú ý, đây đều là những ca bệnh có thời gian ủ bệnh khá dài cùng quá trình dịch tễ phức tạp đã đặt ra nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.

C:\Users\Administrator\Desktop\xuphatkhiraduong050420-1024x576.jpg

Hà Nội xử phạt cá nhân ra ngoài không có lý do chính đáng. Ảnh: Internet

Yêu cầu cách ly toàn xã hội khuyến cáo người dân hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu, các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, khám chữa bệnh, làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao… Đối với việc luyện tập thể dục thể thao, mỗi người nên chọn một hình thức tự tập tại nhà phù hợp, không nên tụ tập tại các khu vực công cộng như công viên, quảng trường, sân vận động… Yêu cầu giãn cách xã hội được xem là giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất hiện nay, bởi sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc gần giữa người với người, để khi có một cá nhân có thể đã nhiễm và ủ bệnh thì mức độ lây lan trong cộng đồng không quá lớn. Nếu chỉ một khu vực, một địa phương nơi lỏng cách ly toàn xã hội thì hậu quả “vỡ trận” do dịch COVID-19 là không thể lường trước.

Để việc thực hiện cách ly toàn xã hội đạt hiệu quả, cần ý thức tự giác của người dân. Mỗi người dân phải nhận thức rõ tính chất, diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh hiện nay. Mức độ lây lan của dịch là đáng báo động bởi có những trường hợp mặc dù đã nhiễm bệnh nhưng trong một thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài, dẫn đến việc chính bản thân họ cũng không biết mình đã nhiễm COVID-19 và di chuyển rất nhiều nơi trong cộng đồng. Thực trạng này dẫn đến việc chính mỗi cá nhân chúng ta không biết chắc rằng người ta đang tiếp xúc có nhiễm bệnh hay không. Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất là hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc giữa người với người.

Để siết chặt việc thực hiện nghiêm túc yêu cầu chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết trong thời gian cách ly toàn xã hội, một số địa phương đã áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người ra ngoài khi không thực sự cần thiết. Từ ngày 04/4/2020, thành phố Hà Nội tiến hành xử phạt đối với những trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng; ngày 05/4, Công an Quận Hà Đông xử phạt hành chính 200.000 đồng/người với 05 cá nhân ra đường không lý do cần thiết; các tổ công tác làm nhiệm vụ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm xử lý 03 trường hợp tụ tập đông người, ra đường khi không có việc cần thiết tại phường Lý Thái Tổ với mức phạt 22,5 triệu đồng.

Tại Chỉ thị số 16/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ người dân có thể ra ngoài “trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động; và các trường hợp khẩn cấp khác”. Vì vậy, việc người dân ra ngoài không có lý do chính đáng có thể cấu thành hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” hoặc hành vi “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người” được quy định tại Điều 11, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, Nghị định quy định mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Như vậy, việc các địa phương áp dụng các điều khoản về xử lý các hành vi vi phạm quy định áp dụng biện pháp chống dịch tại Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP để xử phạt cá nhân có hành vi ra ngoài không có lý do chính đáng là hoàn toàn có căn cứ, có cơ sở pháp lý và chế tài cụ thể của pháp luật.

Thực hiện yêu cầu cách ly toàn xã hội là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay trong phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng; tuyệt đối không chủ quan, nơi lỏng, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, không tụ tập đông người. Các lực lượng chức năng tại các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở, xử lý những cá nhân vi phạm yêu cầu cách ly toàn xã hội, làm tăng nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Khánh Vi