A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách viết tin cho Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum

Nhằm giúp các Cộng tác viên bổ sung kiến thức và kỹ năng viết tin, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề liên quan đến cách viết tin và các thuộc tính của tin báo chí để các đồng chí Cộng tác viên tham khảo. Ban biên tập rất mong nhận được nhiều tin, bài, ảnh, bài viết và ý kiến đóng góp của các bạn để Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum ngày càng hoàn thiện.

Tin báo chí được hiểu là các thông tin mới về những gì đã, đang hoặc sẽ diễn ra trong xã hội. Cách thức viết tin đạt tiêu chuẩn là phải truyền đạt đầy đủ mọi thông tin đến độc giả và phải làm cho bài viết hay, hấp dẫn cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối.

 

alt

Hình minh họa

 

Tin thời sự và phóng sự: Tin thời sự (tin mang tính thời sự), đôi khi còn gọi là tin sốt dẻo, tin đang diễn biến và phóng sự, đôi khi còn gọi là tin nhẹ.

Tin thời sự là về các sự kiện vừa xảy ra và cần thông tin ngay cho các độc giả. Có thể đây là một đám cháy lớn, một sự kiện gây thu hút dư luận xã hội, một quyết định của tòa án, một tin tức về sự kiện quan trọng của địa phương. Phóng sự không nhất thiết là nói về các diễn biến vừa xảy ra. Phóng sự không những nhằm mục đích thông tin cho độc giả biết mà còn gợi cho độc giả phải suy nghĩ nhiều về một tình huống hay một vấn đề nào đó; phóng sự mang tính giải trí nhiều hơn và không mang tính thời sự sốt dẻo. Tin thời sự tường thuật các biến chuyển, sự kiện, còn phóng sự giải thích rõ thêm. Hầu hết các phóng sự là về những điều gợi sự chú ý tự nhiên của độc giả. Phóng sự đi vào phân tích, phản ánh sâu hơn, chi tiết hơn là các tin thời sự.               

Để viết một bài phóng sự, các cộng tác viên cần phải lập kế hoạch viết bài, phỏng vấn và nghiên cứu trong nhiều ngày.

Cấu trúc của một tin bài thường có 2 phần chính: Mở đề và thân bài. Phần đầu là để giới thiệu, đôi khi gọi là mở đề. Phần còn lại gọi là thân bài. Hầu hết các bài viết là về một chủ đề chính. Cả phần mở đề lẫn thân bài đều nên theo sát chủ đề đó. Trong một tin thời sự, đoạn mở đề thông thường chỉ có một câu. Câu này cho chúng ta biết tin đó là về những gì và chứa đựng những điểm quan trọng nhất. Mở đề hay cần hấp dẫn ngay được sự chú ý của độc giả và kích thích họ đọc tiếp phần còn lại. Thân bài chứa đựng các yếu tố giải thích cho phần mở đề. Gồm có các chi tiết, trích dẫn và bối cảnh đưa đến diễn biến được tường thuật. Tin tức quan trọng nhất đi đầu, tiếp đến là các tin kém quan trọng hơn.

Các thuộc tính của tin 

Tin phải liên quan đến an ninh, trật tự: Là những tin phản ánh những sự việc, hiện tượng liên quan đến tình hình tội phạm, an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội. Tin liên quan đến an ninh, trật tự, bao gồm tin về tình hình chính trị, kinh tế – xã hội; phản ánh về tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có liên quan đến tình hình an ninh trật tự; phản ánh về tình hình tội phạm và trật tự an toàn xã hội.

Tin phải quan trọng: Tính chất quan trọng của tin được xác định bởi một số yếu tố sau đây: Phản ánh âm mưu, ý đồ của bọn tội phạm; phản ánh sự việc, hiện tượng có thể gây hậu quả lớn đối với ANTT và TTATXH; phản ánh về sự việc, hiện tượng xảy ra tại thời điểm, địa điểm có ý nghĩa quan trọng; phản ánh về hoạt động của các loại tội phạm nhất là tội phạm có tổ chức, gây án nghiêm trọng; phản ánh về tình hình trật tự an toàn xã hội: như trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn….

Thông tin phải kịp thời: Là tin đảm bảo thời gian tính; cập nhật có hệ thống, kịp thời.

Tin chậm trễ sẽ không phản ánh kịp thời diễn biến tình hình để ứng phó kịp thời, dẫn đến bị động, lúng túng, nhiều trường hợp sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Tin phải chính xác: Tin chính xác là tin phản ánh đúng sự thật khách quan (đúng thời gian, địa điểm; nội dung tình tiết; rõ nguồn và phương pháp, biện pháp thu thập, tin đã được xác minh), không hư cấu hoặc phản ánh chủ quan duy ý chí.

 Người phân tích, đánh giá và dự báo tình hình không thiên vị, không thêm bớt sự thật mà phải đảm bảo khách quan, toàn diện trong việc đưa tin và đánh giá tình hình.

Nếu sự thật bị cắt xén, xác định sai nguyên nhân, đưa những nguồn tin không khách quan sẽ làm cho lãnh đạo đưa ra những giải pháp không sát, không đúng và không kịp thời.

Tin phải cụ thể: Đảm bảo các yếu tố của tin (“Lục vấn”) hay còn gọi là đủ Năm chữ W và một chữ H. Tất cả mọi bài viết đều phải trình bày đầy đủ về các điểm then chốt. Những điểm này thường được gọi trong tiếng Anh là năm chữ W và một chữ H:

            “Việc gì, bởi tại làm sao, bao giờ, ai biết, thế nào, ở đâu?”

            –  Việc gì: Phải nêu rõ sự việc, hiện tượng đã xảy ra trên thực tế (chết người, cháy, nổ, mất tài sản…). What (chuyện gì): – Sự kiện quan trọng hay đáng lưu ý gì đã xảy ra?

            – Bởi tại làm sao: Nguyên nhân dẫn đến sự việc, hiện tượng (nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp hoặc nguyên nhân sâu xa). Why (tại sao) – Tại sao lại xảy ra sự kiện đó?

            – Bao giờ: Thời gian xảy ra sự việc, hiện tượng (ngày, giờ, tháng, năm). When (khi nào) – Chuyện xảy ra vào lúc nào?

            – Ai biết: Người chứng kiến sự việc, hiện tượng xảy ra; người đầu tiên phát hiện sự việc, hiện tượng. Who (ai) – Trong tin này có những ai?

            – Thế nào: Nội dung, tình tiết cụ thể của sự việc hiện tượng; đã giải quyết như thế nào (?) Ví dụ: xảy ra vụ chết người, nạn nhân bị nhiều vết đâm, chém, quần áo bị rách… đã tiến hành chụp ảnh, khám nghiệm hiện trường… How (như thế nào) – Chuyện xảy ra như thế nào?

             – Ở đâu: Vị trí, địa điểm xảy ra sự việc, hiện tượng. Where (ở đâu) – Tin này xảy ra ở đâu?

Đây là các câu hỏi tất cả mọi người đều muốn hỏi khi họ muốn biết rõ thêm về một sự kiện nào đó vừa xảy ra. Một bài không thể được coi là đầy đủ nếu không ít nhất trả lời được năm chữ W và một chữ H. Ngay cả các phóng viên giàu kinh nghiệm cũng kiểm lại xem họ đã dùng đủ những chữ này hay chưa trước khi nộp bài. Trong các tin thời sự, các câu trả lời cho năm chữ W và một chữ H thường được đặt lên đầu. Người xử lý tin phải đầu tư thời gian, chọn lọc các số liệu và sự kiện về các vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ chính của đơn vị để đưa vào báo cáo; tập hợp được số liệu chính xác và có liên hệ với nhau chặt chẽ; tránh những số liệu hoặc những sự kiện chung chung, không chứng minh lý giải được điều gì.

Tin phải liên tục và có hệ thống: Tin ban đầu và những tin tiếp theo, từng bước hệ thống tin phải sắp xếp đảm bảo tính khoa học: Đảm bảo đủ số lượng thông tin thực tế cần thiết. Các sự kiện và số liệu phải chính xác và còn hiện thời; không dùng tư liệu cũ, lạc hậu; khi cần thiết phải ghi thời gian ghi nhận tư liệu.

Tuy nhiên, ngày nay trong báo chí hiện đại, một vài tiêu chí này được giản lược khi tin tức đang gấp và được đặt trong bối cảnh cụ thể.

* Một số lưu ý khi viết tin, bài cho Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum: Có 3 phương pháp thu thập thông tin truyền thống cho một tin báo chí là phỏng vấn, quan sát và nghiên cứu tài liệu. Khi viết tin, bài gửi về Trang thông tin điện tử đề nghị các CTV đề cập, nói thẳng vào sự kiện, câu chuyện chính; dùng các đoạn ngắn (mỗi đoạn một ý), dùng câu chủ động, không lạm dụng tính từ. Với những bài dài, nên có những tiểu đề mục chứa đựng thông tin (Cách này vừa tạo ra những điểm nghỉ cho mắt, vừa lôi kéo độc giả đọc tiếp).

Dùng font chữ Arial để soạn thảo tin, cỡ chữ 12 (tiêu đề tin bài có thể đậm Ctrl + B), các chữ dùng trong chú thích ảnh nên để cỡ chữ 11, nghiêng (Ctrl + I).

Đặc biệt, trong các tin bài đề nghị các CTV nên có ảnh hoặc hình minh họa, dù nhỏ (Ảnh ở đây không chỉ có ý nghĩa trang trí mà còn có sức thu hút, minh chứng rõ nhất cho độc giả về bài viết). Ảnh nên được xử lý gọn nhẹ bằng các ứng dụng hỗ trợ xử lý ảnh như: Microsoft Office Picture Manager; Paint…

Cuối cùng xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của độc giả, sự cộng tác của các Cộng tác viên đối với Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum và hy vọng sẽ nhận được rất ý kiến đóng góp, nhiều tin, bài ảnh hay, có chất lượng gửi về Ban Biên tập.


Hà Nguyễn (Phòng Tham mưu)