A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục về việc thực hiện các quy định về quản lý thu, chi tài chính, các khoản thu trong trường học, đảm bảo công khai, minh bạch.

 

Là chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3234/UBND-KGVX về việc tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Ảnh minh họa

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, có giải pháp quy hoạch phát triển quy mô trường lớp, đội ngũ nhà giáo đảm bảo huy động có hiệu quả học sinh ra lớp, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với mầm non và tiểu học, trong đó chú trọng phát triển trường lớp mầm non nhằm nâng cao tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp.

Tiếp tục triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Văn bản: số 2791/UBND-NC ngày 25/8/2022 về việc triển khai Công văn số 3887/BNV-TCBC ngày 12/8/2022 của Bộ Nội vụ; số 2801/UBND-NC ngày 25/8/2022 về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; ưu tiên tuyển dụng và bố trí giáo viên đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp học mầm non và phổ thông thuộc phạm vi quản lý.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung được quy định tại Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập và Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục về việc thực hiện các quy định về quản lý thu, chi tài chính, các khoản thu trong trường học, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức và cha mẹ học sinh đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ theo quy định hiện hành trong phạm vi quản lý, tuyệt đối không để phát sinh các khoản thu ngoài quy định, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh và xã hội; xử lý nghiêm trách nhiệm hiệu trưởng nhà trường để xảy ra tình trạng lạm thu cũng như thu chi không đúng quy định; kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo tại các cơ sở giáo dục.

Tổ chức thực hiện kịp thời hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên, học sinh; chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ xây dựng củng cố và nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi tại các địa phương nhằm huy động có hiệu quả học sinh ra lớp, duy trì chuyên cần; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi cho học sinh học tập.

Bên cạnh đó, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cấp thẩm quyền đảm bảo các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học dành cho các cơ sở giáo dục; bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia và các đề án, dự án đã được phê duyệt để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình quy định để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và thực hiện các mục tiêu giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

 


Tác giả: Khánh Vi