A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em

Chỉ đạo công an các địa phương, nhất là lực lượng công an ở cơ sở tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em, đảm bảo giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 749/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024. Theo đó, Kế hoạch đề ra 04 nhóm nhiệm vụ giải pháp: Về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em; về phát triển toàn diện trẻ em, bảo vệ trẻ em; về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em; về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện trong các vụ mua bán người và xâm hại trẻ em (Ảnh: HK)

Trong đó, để phát triển toàn diện và bảo vệ trẻ em, cần tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; duy trì và nhân rộng hệ thống mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có sự lồng ghép, phối hợp, chuyển tuyến liên ngành, liên cấp theo hình thức dịch vụ một cửa và các gói dịch vụ tiếp cận trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Phối hợp thực hiện hiệu quả quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh; phát triển hệ thống cơ sở có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cấp tỉnh (tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh) và cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập. Rà soát đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, tư pháp thân thiện với trẻ em, bảo vệ trẻ em, thực hiện tư vấn, can thiệp, hỗ trợ khi trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; phối hợp trong công tác điều tra thân thiện với trẻ em. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn thực hành về bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, đội ngũ cung cấp dịch vụ xã hội, nhân viên công tác xã hội, cán bộ, nhân viên các cơ sở trợ giúp trẻ em. Vận động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em, các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em để giải quyết các vấn đề về trẻ em. Đồng thời, tiếp tục vận động nguồn lực hỗ trợ của tổ chức Unicef, Plan và các tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo phát triển toàn diện trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trẻ em. 

Có giải pháp phù hợp nhằm tăng tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em, quan tâm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em; duy trì không có trẻ em và người chưa thành niên trên địa bàn tỉnh lao động trái quy định của pháp luật; giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích; phấn đấu đảm bảo trẻ em gặp thiên tai, thảm họa được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời. 

Tổ chức điều tra, xử lý, bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, bạo lực; phòng ngừa, quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em. Chỉ đạo công an các địa phương, nhất là lực lượng công an ở cơ sở tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em, đảm bảo giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại.

Tại Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các Sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Ban Dân tộc, Tỉnh đoàn; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có liên quan, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Báo cáo số 455/BC-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm nhiệm vụ công tác trẻ em, nhất là ở cơ sở theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về Trẻ em năm 2023, trong đó lưu ý vấn đề về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu trẻ em đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ và 7 phát huy hiệu quả khai thác cơ sở dữ liệu trẻ em trên địa bàn tỉnh. 

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các nội dung tại Kế hoạch; phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; nêu gương những điển hình tiến tiến, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo trên các phương tiện truyền thông. Phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan, thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm bảo đảm sự an toàn cho trẻ em khi tham gia trên môi trường mạng. 

Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, phân khai trong dự toán chi sự nghiệp đảm bảo xã hội giao năm 2024, kết hợp nguồn huy động xã hội hóa để thực hiện Kế hoạch theo quy định Luật ngân sách nhà nước và phân cấp hiện hành. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan tham mưu lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Kế hoạch. 

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch và tình hình thực tế của địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình năm 2024 tại địa phương, trong đó lưu ý: - Bố trí ngân sách và lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án có liên quan nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả kế hoạch tại địa phương; chủ động lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tại Kế hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhằm đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá các mục tiêu vì trẻ em tại địa phương; rà soát việc bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và tai nạn, thương tích trẻ em; chỉ đạo xử lý nghiêm và kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; rà soát duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả về thực hiện quyền trẻ em; hệ thống bảo vệ trẻ em và mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. 

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em là nạn nhân trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em; giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến trẻ em theo quy định pháp luật hiện hành. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tổ chức các phiên tòa thân thiện đối với trẻ em là người bị hại trong các vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; đảm bảo đầy đủ các quyền về tố tụng đối với trẻ em là người bị hại trong các vụ án trẻ em bạo lực, xâm hại tình dục đặc biệt quyền được trợ giúp pháp lý. 

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Hội Bảo vệ quyền trẻ em và bảo trợ người khuyết tật tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp triển khai nội dung tại Kế hoạch; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia thực hiện nghiêm Luật trẻ em và chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, bạo lực, ngược đãi trẻ em. Tổ chức giám sát việc chấp hành Luật Trẻ em và các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh; tích cực phản biện xã hội và tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em; duy trì và nhân rộng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em do đơn vị triển khai (nếu có). 

Đề nghị Tỉnh Đoàn tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, thực hiện tốt vai trò giám sát việc thực hiện quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động nhằm phát huy quyền tham gia và sáng kiến của trẻ em trong trường học, cộng đồng; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp để thu hút trẻ em tham gia; tổ chức hoạt động và phát triển Mô hình Hội đồng trẻ em tại các cấp.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em và bảo trợ người khuyết tật tỉnh: Thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền trẻ em; tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em, phối hợp kịp thời chuyển vụ việc xâm hại trẻ em tới các cơ quan có thẩm quyền để can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức tiếp nhận nguồn lực tài trợ từ các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.


Tác giả: BBT