A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện điểm số, thứ hạng Chỉ số cải thiện các quy định pháp luật của Việt Nam năm 2024

Ngày 28/3/2024, Bộ Tư pháp ban hành công văn số 1530/BTP - VĐCXDPL về việc  tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện điểm số, thứ hạng Chỉ số cải thiện các quy định pháp luật của Việt Nam năm 2024.


Công văn nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ “Cải thiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII)” được Chính phủ giao chủ trì thực hiện tại Phụ lục IV Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 và các nghị quyết của Chính phủ từ năm 2018 đến năm 2024 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực chủ động, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2023, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam có điểm giá trị là 31,8, xếp hạng 94/132 nền kinh tế thế giới, giảm 11 bậc so với năm 2022.
           
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành và địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện điểm số, thứ hạng Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả một số công việc sau đây:

1. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Ban chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

2. Tăng cường hoàn thiện thể chế, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm theo đúng tinh thần chỉ đạo “đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển”. Tiếp tục chú trọng, đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nhất là các dự án về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực để tổ chức soạn thảo văn bản quy định chi tiết đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn theo quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết (gửi về Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp để tổng hợp), đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đó.

3. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật, trong đó chú trọng cải thiện chất lượng các quy định pháp luật trong các lĩnh vực được các Tổ chức quốc tế đánh giá theo Tài liệu giới thiệu chung về Chỉ số Cải thiện chất lượng quy định về pháp luật của Bộ Tư pháp (xin gửi kèm theo Tài liệu).

4. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật theo quy định.

5. Bảo đảm nguồn lực về biên chế, kinh phí cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chú trọng kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác xây dựng pháp luật; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu công việc.

6. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, gửi Bộ Tư pháp kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định./.


Tin liên quan