A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác tổ chức lễ hội

Công an tỉnh chủ trì, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự xã hội cho hoạt động lễ hội. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động tổ chức lễ hội; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm gây mất an ninh trật tự.

Ngày 20 tháng 10 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Công văn số 3592/UBND-KGVX tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện hiệu quả một số nội dung sau:

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng và chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị định số 110/2018/NĐ-CP. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định; chú trọng công tác quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo tổ chức lễ hội, kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí; phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương, sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm và hiệu quả.

Căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum (sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành) và các quy định pháp luật có liên quan, thực hiện quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và các hoạt động lễ hội theo đúng quy định.

Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định trước, trong và sau thời gian tổ chức lễ hội.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương và quy định pháp luật hiện hành. Hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện nghiêm “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” theo Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thực hiện tốt quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội cấp tỉnh. Đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố quy trình thực hiện tiếp nhận hồ sơ và cấp phép tổ chức lễ hội cấp huyện. Chủ động thực hiện công tác phối hợp lấy ý kiến đối với các cơ quan liên quan; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép theo quy định, không cấp phép đối với một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm các nguyên tắc tổ chức như: lễ hội mang mục đích thương mại, trục lợi; có hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. 

Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức các lễ hội: dân gian, truyền thống, văn hóa được tổ chức đúng theo các nguyên tắc: trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với quy mô, nội dung, bản chất, ý nghĩa, thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa, đáp ứng hiệu quả nhu cầu văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Trong phần hội, chú trọng lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của Nhân dân, tạo môi trường vui tươi, lành mạnh, có hiệu quả, tích cực.

Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương tổ chức theo đúng quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Phổ biến pháp luật về lễ hội, tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, quy trình thực hành và giá trị của lễ hội, di tích, nhân vật lịch sử… được thờ phụng.

Tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương thanh tra, kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự trong phạm vi lễ hội, bảo vệ di tích không bị xâm hại. Kịp thời, kiên quyết xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tổ chức lễ hội vi phạm các quy định của Nhà nước, gây bức xúc trong Nhân dân. Công bố công khai kết quả thanh tra những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý và tổ chức lễ hội để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý và tổ chức lễ hội đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; chú trọng giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; các sự kiện lễ hội, các tổ chức, cá nhân gương mẫu thực hiện tốt các quy định về tổ chức lễ hội; kịp thời phê phán, chấn chỉnh hành vi vi phạm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, phòng chống dịch bệnh trong hoạt động lễ hội.

Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra về các nội dung liên quan đến chức năng của ngành tại nơi diễn ra lễ hội.

Công an tỉnh chủ trì, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh trật tự xã hội cho hoạt động lễ hội. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động tổ chức lễ hội; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm gây mất an ninh trật tự.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cịu trách nhiệm quản lý về các nội dung của lễ hội phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa của các dân tộc tại địa phương. Chỉ đạo kiên quyết loại bỏ các tập tục không còn phù hợp với đời sống hiện đại và xu thế hội nhập. Đảm bảo các nguyên tắc tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Tổ chức hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội trên địa bàn quản lý.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện và phối hợp quản lý đảm bảo các vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ du khách trong thời gian diễn ra lễ hội. Tổ chức lễ hội phải có phương án đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn giao thông, bố trí không gian, thời gian phù hợp. Tránh tình trạng lợi dụng lễ hội trục lợi vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, làm nơi mua bán thịt động vật hoang dã, đồ chơi bạo lực; không giới thiệu, trưng bày hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của các dân tộc, trái với bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa của lễ hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo nguồn lực, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước tổ chức lễ hội, trong đó lưu ý việc vận động trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí phục vụ việc tổ chức lễ hội; đồng thời việc vận động tiền công đức, tiền đóng góp của Nhân dân nơi tổ chức lễ hội đúng quy định, mục đích, công khai, minh bạch.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật./.


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan