A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản

Xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường… là nhiệm vụ UBND tỉnh giao Công an tỉnh tại Công văn số 4019/UBND-NNTN ngày 23/10/2020 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

C:\Users\Administrator\Desktop\100-8456-4932820140628021612.7842610.JPG

Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh minh họa

Ngày 29/9/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường; vận chuyển, tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông…; các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập khẩu khoáng sản trái phép, làm ảnh hưởng, an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Theo chức năng, nhiệm vụ, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan liên quan rà soát, xác định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông; các dự án nạo vét đã cấp phép đang triển khai thực hiện, xác định các dự án làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát lũ, sự ổn định của bờ sông, gây sạt lở bờ, bãi sông hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình ven sông để thực hiện theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường. Từng bước xây dựng hệ thống kiểm soát hoạt động khoáng sản bằng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời, kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã được khoanh định, công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; rà soát, đánh giá tình hình nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về trồng rừng thay thế. Đồng thời, quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi; bảo vệ lòng, bờ bãi sông gắn với yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông theo quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Khánh Vi