A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần sửa đổi, bổ sung về đối tượng cảnh vệ trong Luật Cảnh vệ năm 2017 để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, cũng có một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, trong đó có vấn đề liên quan đến đối tượng cảnh vệ.

Ảnh minh họa

Theo pháp luật hiện hành, có 03 nhóm đối tượng cảnh vệ, đó là: Nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, qua tổng kết 05 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay, cần thiết bổ sung, điều chỉnh một số nội dung về đối tượng cảnh vệ, cụ thể là:

Đối với đối tượng cảnh vệ là con người, cần bổ sung Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù, tính chất công việc của hai chức danh này có liên quan trực tiếp đến việc chỉ đạo, tổ chức giải quyết các vụ án, vụ việc; xử lý vi phạm, tội phạm nên tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ bị kẻ xấu đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng là rất cao. Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp và tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm thì tính chất công việc của hai chức danh này ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Bên cạnh đó, Luật hóa Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó quy định Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đối với đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định một trong các sự kiện đặc biệt quan trọng là đối tượng cảnh vệ, trong đó có “Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị”. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy, việc quy định như trên là quá rộng (bao gồm các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương); đồng thời theo quy định của điều luật một hội nghị quốc tế có một trong số các đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2 Điều 10 (hiện tại đối tượng cảnh vệ gồm 37 đồng chí, kể cả các lãnh đạo đã nghỉ hưu như Nguyên Tổng Bí thư, Nguyên Chủ tịch nước...) tham dự hoặc chủ trì hội nghị thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng và được áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều 14 Luật Cảnh vệ, trong đó có các biện pháp cảnh vệ đối với đại biểu tham dự như tuần tra, canh gác nơi ở tập trung của đại biểu; kiểm tra an ninh, an toàn phương tiện đưa, đón đại biểu; kiểm tra thức ăn, nước uống, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực nơi ở tập trung của đại biểu... như đối với đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kỳ họp của Quốc hội là quá rộng, chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật cũng như gây ảnh hưởng đến đi lại, thực hiện các hoạt động xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung tiêu chí để xác định sự kiện đặc biệt quan trọng, không chỉ dựa vào đối tượng cảnh vệ tham dự hoặc chủ trì hội nghị, mà còn phải xem xét đến quy mô, tính chất, ý nghĩa, tầm ảnh hưởng của sự kiện đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Thứ ba, thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ, ngoài việc triển khai thực hiện biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác theo đề nghị của các bộ, ban, ngành. Theo số liệu thống kê đối với đối tượng không thuộc đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Luật Cảnh vệ nhưng vẫn triển khai công tác bảo vệ theo đề nghị của các Bộ, Ban, Ngành, tính từ ngày 01/7/2018 đến nay là 56 đoàn, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương 17 đoàn; Bộ Ngoại giao 06 đoàn; Tòa án Nhân dân tối cao 03 đoàn; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 01 đoàn; Bộ Công an 22 đoàn; các Bộ, Ngành khác là 07 đoàn. Hoặc đối với bảo vệ trụ sở cơ quan, như trụ sở các Ban của Quốc hội tại 22 Hùng Vương, trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại 46 Tràng Thi; theo quy định của Luật Cảnh vệ không phải là khu vực trọng yếu; tuy nhiên theo yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn, Bộ Công an vẫn triển khai công tác bảo vệ.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.


Tác giả: Hoàng Phúc