A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi dịp Tết

Cuối năm, nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các kẻ lừa đảo sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng. Nhân dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, lợi dụng nhu cầu này, không ít người đã bị lừa đảo bởi các đối tượng bán vé máy bay giả trên mạng xã hội.

Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến là bán vé máy bay giả. Các đối tượng thao túng tâm lý, tự nhận là nhân viên của các doanh nghiệp nổi tiếng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn, đặt nhanh không “hết vé”. Họ tiếp cận nạn nhân thông qua cuộc gọi, tin nhắn hoặc phát tán trên các nền tảng mạng xã hội để dẫn dụ người dân nhẹ dạ cả tin tham gia, mua hàng. Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, đối tượng lập tức chặn liên lạc, xóa toàn bộ dấu vết các tài khoản đã sử dụng liên hệ.

Ảnh minh họa

Một trường hợp tiêu biểu là chị Vũ Hoàng Ngọc Lê được đề cập theo Báo Lao động. Chị Lê đã đăng bài trên Facebook để tìm nguồn bán vé máy bay rẻ. Sau đó, chị Lê nhận được tin nhắn từ một tài khoản có tên “Tran Tem”, giới thiệu là nhân viên của hãng Vietjet air, có thể bán vé máy bay giá thấp hơn 10-15% so với giá niêm yết. Đối tượng này còn tự xưng là đạo diễn của một công ty truyền thông, cam kết sẽ bồi thường nếu vé bị hủy. Tin tưởng vào lời nói của đối tượng, chị Lê đã chuyển cho hắn tổng cộng 39.130.000 đồng để mua 6 vé máy bay. Nhưng đến ngày bay, chị Lê mới phát hiện ra mình đã bị lừa, khi các vé máy bay đều bị hãng Vietjet air hủy.

Vì vậy, để tự bảo vệ mình, người dùng trước hết phải nâng cao cảnh giác, phải rất thận trọng trước những thông tin từ các cuộc gọi có nguồn gốc không rõ ràng. Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, người dân cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin, khi có nhu cầu mua vé máy bay, người dân nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.

Khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan