A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Định hướng tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên và môi trường năm 2024

Ngày 29/02/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 1263/BTNMT-VP về việc định hướng tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên và môi trường năm 2024.

Theo Công văn: Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Ngành tài nguyên và môi trường đặt trọng tâm là năm “Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát triển - bứt phá” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về nội dung tuyên truyền, truyền thông trọng tâm đó là tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024; các quy định mới trong Luật tạo hành lang quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nội dung tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, nhận được nhiều sự quan tâm khi Luật đi vào cuộc sống. Quá trình tổ chức thực hiện, xây dựng, ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

Tuyên truyền, phổ biến Luật tài nguyên nước năm 2023; triển khai xây dựng, ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch lưu vực sông đã được Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững; chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino; xử lý, phục hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm; đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước lưu vực các dòng sông xuyên biên giới; nâng cao nhận thức, kêu gọi cộng đồng, mỗi người dân và doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ tài nguyên nước thông qua việc sử dụng nước trách nhiệm, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững về lâu dài.

Tiếp tục truyền thông thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chú trọng phổ biến chính sách pháp luật, hướng dẫn, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đồng thời huy động sự tham gia của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường, sẵn sàng để thực hiện phân loại rác tại nguồn trên phạm vi cả nước.

Truyền thông các kết quả thực hiện Đề án triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2025, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan; thực hiện các sáng kiến, cam kết Việt Nam tham gia tại COP28 và Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JEPT).

Tập trung xây dựng, tuyên truyền, tập huấn, trao đổi để doanh nghiệp và người dân hiểu về các quy định quản lý tín chỉ các-bon tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Các giải pháp chủ động ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sinh kế cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Truyền thông quá trình xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản; kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản bảo đảm minh bạch, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên từng địa bàn, góp phần quản lý tốt tài nguyên khoáng sản quốc gia. Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất gắn với các địa phương phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, khoáng sản cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.

Truyền thông, giới thiệu các thành tựu, nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình, hiến kế hiệu quả;…


Tác giả: Thái Ngân