A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 22/01/2024 về Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024.

Kế hoạch bao gồm các nội dung sau đây:

Một là, lĩnh vực, phạm vi, đối tượng theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm: Phạm vi theo dõi: Việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023. Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.

- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý thuế: Phạm vi theo dõi: Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023. Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.

- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm: Phạm vi theo dõi: Việc thi hành Luật Xuất bản. Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023. Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.

Hai là, các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bao gồm: 

Ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành. Xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xây dựng danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 do chính quyền địa phương ban hành. Kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.

Tổ chức Hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đối với các lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hội nghị xử lý kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: Kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành, địa phương; bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ, kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiệu quả, đúng pháp luật; công bố công khai kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trừ các nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trong Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 của Bộ, ngành, địa phương và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan