A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rủi ro khi lộ hình ảnh căn cước công dân gắn chip

Hiện nay, phần lớn người dân đã chuyển sang sử dụng CCCD gắn chip. So với CMND và CCCD mã vạch thì CCCD gắn chip chứa đựng được nhiều thông tin hơn qua việc quét mã QR và chip điện tử gắn trên thẻ. Điều này đã vô tình tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng để sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật, nhất là các tội phạm công nghệ cao.

Ảnh minh họa

Thực trạng các hành vi lợi dụng CCCD của người dân để phạm tội

Các tội phạm công nghệ cao thường nhắm đến thẻ CCCD gắn chip có mã QR và chip trên thẻ vì chúng chứa nhiều thông tin cá nhân có thể trục lợi. Các đối tượng có thể dùng hình ảnh CCCD để đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc vay tiền trên app, dùng để đăng ký mã số thuế ảo, đăng ký số điện thoại trả sau,… cùng với nhiều thủ đoạn khác để trục lợi trái pháp luật.

Hiện nay đa số các ứng dụng, app cho vay tiền online chỉ cần chụp ảnh CCCD/CMND hai mặt là có thể giải quyết được hợp đồng vay tiền và giải ngân nhanh chóng. Các ứng dụng này thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, bỏ qua khâu xác minh chính chủ, tạo khe hở cho các đối tượng tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm chiếm đoạt.

Các ổ nhóm tội phạm lừa đảo công nghệ cao ở nước ngoài móc nối các đối tượng trong nước mở tài khoản ngân hàng, mở tài khoản bitcoin, đánh bạc trực tuyến bằng cách mượn, thuê, mua CCCD của người dân.

Việc có được thông tin trên CCCD của người dân là tiền đề quan trọng tạo điều kiện cho những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, điển hình là việc gọi điện, gửi tin nhắn giả mạo cơ quan thẩm quyền như: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát... Để hù dọa, vu khống người dân để đòi tiền “chạy án” nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Sử dụng hình ảnh CCCD/CMND hai mặt để đăng ký dịch vụ trả sau của điện thoại, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước. Điều này lí giải nhiều người dân bỗng nhiên mang một khoản nợ cho những khoản phí trả sau của điện thoại

Thông tin trên CCCD được các công ty ma hoạt động không có nhân viên mua lại để đăng ký mã số thuế “lén lút” nhằm hợp thức hóa các mục đích khác của công ty, tránh bị cơ quan chức năng xử phạt.

Bên cạnh đó, các công ty ma dạng này còn chọn hình thức ra thông báo tuyển dụng nhân sự không giới hạn số lượng với mức lương cao để thu hút người khác nộp hồ sơ xin việc, sau đó ra thông báo không trúng tuyển rồi sử dụng hình ảnh CCCD/CMND của người xin việc vào các mục đích xấu.

Nguồn “thu thập” trái phép CCCD của cá đối tượng xấu

Hiện nay trên cả nước đều xuất hiện các đối tượng đến từng hộ dân trả tiền để xin chụp ảnh CMND/CCCD, sau đó chúng sử dụng để bán lại cho các ổ nhóm tội phạm trong nước cũng như ở nước ngoài.

Các đối tượng có thể đóng vai nhân viên của các nhà mạng, nhân viên các ngân hàng, các loại hình dịch vụ, đến xin chụp ảnh với lý do là đăng ký thuê bao chính chủ, mở tài khoản ngân hàng số đẹp, đăng ký tư vấn dịch vụ cho người dân rồi chiếm đoạt thông tin CCCD/CMND để thực hiện mục đích xấu.

Bên cạnh đó, kẻ xấu có thể đánh cắp CMND/CCCD từ nhiều nguồn khác như việc người dân tự cung cấp cho một bên khác (ví dụ như các bên làm dịch vụ facebook, các cá nhân bán sim 4G…), cũng có thể từ các bên cung cấp dịch vụ phá vỡ cam kết với khách hàng, bán dữ liệu cho bên thứ 3, hoặc do các hacker đánh cắp, xâm nhập vào hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán, ứng dụng cho vay…

Việc đăng tải, chia sẻ, lưu trữ CCCD lên mạng xã hội chính là một nguồn khác vì hành vi này vô tình tiếp tay cho các đối tượng phạm tội

Người dân cần đề cao cảnh giác

Việc để lộ thông tin trên chứng minh nhân dân/căn cước công dân tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại về tài sản, tốn thời gian để xử lý vướng mắc... Do đó Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân như sau:

Không đăng tải, chia sẻ, trao đổi hình ảnh chụp CCCD trên các nền tảng mạng xã hội. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, ngay sau khi nhận thấy thông tin CMND/CCCD đã bị lộ, người dân cần thu hồi, xóa ảnh CMND/CCCD ngay khi đăng lên mạng hoặc gửi nhầm cho người khác.

Người dân cần kiểm tra thông tin tài khoản cùng các khoản vay bởi vì kẻ xấu sau khi lấy được thông tin cá nhân của chủ thẻ có thể sẽ thực hiện các hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra người dân nên kiểm tra tất cả các tài khoản ngân hàng được mở bằng CCCD của mình, nếu phát hiện người khác mở tài khoản ngân hàng bằng CCCD của mình cần báo ngay cho các ngân hàng nhằm phòng tránh những rắc rối sau này.

Người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp CCCD, CMND; không được cầm cố CCCD, CMND cho các cơ sở cầm đồ hoặc các đối tượng cho vay "tín dụng đen”; không cung cấp thông tin CCCD cho các dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Đặc biệt cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng đối với các loại hình dịch vụ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để thực hiện.

Nói không với chụp ảnh CCCD nhằm phòng ngừa những hiểm họa tiềm tàng

Bên cạnh đó, người dân cũng cần kiểm tra thông tin số điện thoại trả sau và thông tin thuế. Để kiểm tra xem số CMND/CCCD đã đăng ký bao nhiêu sim chính chủ, chủ thẻ soạn tin nhắn theo cú pháp TTTB gửi 1414. Trường hợp phát hiện một số điện thoại khác mà không phải do mình đăng ký cần nhanh chóng liên hệ đến nhà mạng để phản ánh kịp thời.

Khi nghi ngờ bị lợi dụng lấy số CNMD/CCCD để đăng ký mã số thuế ảo, có thể truy cập vào địa chỉ https://canhan.gdt.gov.vn/, sau đó nhập thông tin để kiểm tra. Nếu phát hiện các dấu hiệu nghi vấn cần báo ngay cho các cơ quan thuế hoặc cơ quan công an để xác minh làm rõ.

Trường hợp bị mất căn cước công dân người dân cần trình báo lên cơ quan chức năng để báo mất và làm lại giấy tờ. Đồng thời nhằm phòng ngừa trường hợp căn cước công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật thì việc làm trên là có căn cứ để chứng minh bản thân không có liên quan đến các giao dịch trái pháp luật đó.

Khi phát hiện tội phạm và các hành vi vi mua bán CCCD, lợi dụng CCCD để thực hiện các hành vi phạm pháp người dân cần mạnh dạn tố giác với lực lượng công an và chính quyền cơ sở để kịp thời có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người dân.


Tác giả: Trung Đức