A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 bảo đảm các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính hiện nay

Ngày 22/11/2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 được ban hành là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh; nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân Việt Nam.

Để bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh của công dân, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định hộ chiếu phổ thông được cấp riêng cho từng công dân để tạo điều kiện cho công dân khi làm thủ tục nhập cảnh nước ngoài. Quy định này khác với quy định trước đây là trẻ em có thể cấp chung hộ chiếu cùng cha hoặc mẹ nên thời hạn không quá 05 năm. Không đặt vấn đề người đề nghị cấp hộ chiếu phải làm và nộp hồ sơ mà chỉ quy định người đề nghị điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng Internet, xuất trình giấy tờ tùy thân. Đối với người có căn cước công dân, nếu đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thuận tiện (quy định trước đây phải là nộp hồ sơ tại nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn). Không quy định hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi nếu ở trong nước, có thể lựa chọn thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Nếu ở nước ngoài thì có thể lựa chọn thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam nơi thuận tiện.

Quy định cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn để thay thế việc cấp giấy thông hành cho các trường hợp: ra nước ngoài có thời hạn mà hộ chiếu bị mất, hết giá trị có nguyện vọng về nước ngay; bị phía nước ngoài trục xuất; phải về nước theo thỏa thuận quốc tê; vì lý do quốc phòng, an ninh. Việc cấp hộ chiếu cho các trường hợp này là sự khẳng định việc bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp.

Người thân có thể trực tiếp nhận hộ chiếu hoặc lựa chọn nơi nhận hộ chiếu phù hợp, là sự thể hiện tạo thuận lợi cho công dân.

Quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trong trường hợp bị mất được tìm thấy để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hộ chiếu có thị thực của nước ngoài còn thời hạn, hộ chiếu đã được sử dụng trong các giao dịch dân sự (mở tài khoản ngân hàng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản có giá trị khác…).

Hoàng Công

 


Tin liên quan