A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những Bộ luật, Luật có hiệu lực thi hành từ năm 2018

 

Tháng 7/2017, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố các Luật đã được thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, trong đó nhiều luật liên quan đến công tác của ngành Công an có hiệu lực thi hành từ năm 2018 như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam

Kỳ họp thứ ba,Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ Luật hình sự (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14) và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ tạm giam số 94/2015/QH13. Theo đó, Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

Nghị quyết quy định cụ thể việc thi hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự và các Bộ luật, Luật có liên quan; đồng thời bổ sung những quy định cụ thể mới liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết có quy định chuyển tiếp về việc áp dụng pháp luật trong thời gian từ khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (ngày 05/7/2017) đến khi Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2018) thì tiếp tục áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 03/2009/PL-UBTVQH12.

Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ ngày 01/01/2018

Một số điểm mới của Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nhằm khắc phục những điểm sai sót đã phát hiện được của Bộ luật Hình sự số năm 2015, bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất Bộ luật trong thực tiễn; sửa đổi, bổ sung một số vấn đề (yếu tố cấu thành của một số tội phạm, mức định lượng trong các khung của một số điều luật…) nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống và xử lý tội phạm.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội: người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể và chỉ chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với hai tội danh giết người và cướp tài sản; sửa đổi, bổ sung một số quy định mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm cả đối với hai tội danh tài trợ khủng bố và rửa tiền nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.

Luật sẽ bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh, đồng thời, sửa đổi bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Mở rộng thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công lớn. Trong trường hợp này sẽ chuyển thành hình phạt từ chung thân.

Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); bổ sung một tội danh mới đó là “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” (Điều 217a) nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, gây thiệt hại cho nhiều người dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018

Luật Cảnh vệ

Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 33 điều (bổ sung hai chương, 12 điều). Lực lượng cảnh vệ được xác định là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công An và Bộ Quốc phòng, có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Trong Luật Cảnh vệ quy định cụ thể hơn về các trường hợp được nổ súng khi đang thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ (đã được quy định tại Nghị định số 128/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Cảnh vệ) để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phù hợp với đặc thù của công tác cảnh vệ.

Theo đó, trên cơ sở nguyên tắc và các trường hợp nổ súng được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ quy định cán bộ, chiến sỹ trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng trong các trường hợp cụ thể như: cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ; các trường hợp nổ súng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. So với Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nồ và công cụ hỗ trợ, Luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là Cảnh sát biển, Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Luật quy định cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự.Theo đó, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Luật quy định thành nhóm các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và nhóm các trường hợp nổ súng không cảnh báo.

Việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc: Căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng. Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo; nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay. Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.


Hoàng Phong