A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và hoạt động khoáng sản

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum vừa có Công văn số 3875/UBND-NNNT về Quản lý nhà nước về đấu giá tài sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Để công tác đấu giá tài sản bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên; đồng thời ngăn chặn tình trạng: Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản và các hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá...

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị chức năng có liên quan đến công tác đấu giá tài sản, chống thất thu trong hoạt động khoáng sản; Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng liên quan có kế hoạch thanh tra, kiểm tra và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập trong hoạt động đấu giá để tham mưu cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh kịp thời.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ đấu giá viên trên địa bàn; tổ chức quát triệt, triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08 tháng 02 năm 2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp danh sách các tổ chức đấu giá tài sản có hành vi vi phạm đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý để làm căn cứ cho người có tài sản xem xét, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản có năng lực, uy tín, kinh nghiệm.

Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đấu giá, hồ sơ công nhận kết quả trúng đấu giá (về quy trình thực hiện; tính đúng đắn, hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ) để có ý kiến gửi người có tài sản (hoặc người được chủ sở hữu tài sản là cơ quan nhà nước giao bán đấu giá tài sản) trước khi tổ chức thực hiện đấu giá hoặc phê duyệt công nhận kết quả trúng đấu giá.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành: (1) Thiếu phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt; (2) Đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật thì triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Tổ chức rà soát, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu, thông tin về kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản của nhà nước để thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thì tổ chức tính, thẩm định trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thu theo quy định của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản và Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ Quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư.

 


Tác giả: Thái Ngân