A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Bảo đảm chất lượng kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ban hành, phát hiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật; thực hiện kiểm tra văn bản có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề “bức xúc” trên địa bàn tỉnh.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp ký ban hành Báo cáo số 204/BC-UBND ngày 24/6/2024 về kết quả soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, trong 6 tháng cuối năm 2024 tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Tự kiểm tra văn bản: Các cơ quan có nhiệm vụ giúp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh tiến hành tự kiểm tra 100% văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành; kịp thời đề xuất để xử lý những văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Kiểm tra văn bản theo thẩm quyền: Các cơ quan có nhiệm vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP) (gồm cấp tỉnh và huyện); phấn đấu số văn bản được kiểm tra đạt 90% tổng số văn bản nhận được (thuộc thẩm quyền kiểm tra) trở lên. Đảm bảo chất lượng kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan ban hành gửi đến; phát hiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật.

Kiểm tra văn bản theo chuyên đề: Tổ chức triển khai kiểm tra, rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước theo yêu cầu của cơ quan cấp trên. Thực hiện kiểm tra văn bản có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề “bức xúc” trên địa bàn tỉnh.

Xử lý văn bản trái pháp luật: Các văn bản có dấu hiệu vi phạm phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời (kể cả đối với văn bản sai về thể thức, kỹ thuật trình bày, sai về hiệu lực pháp lý). Thường xuyên theo dõi việc xử lý sau khi có thông báo, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị đã ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật xử lý kịp thời, triệt để, theo quy định của pháp luật và yêu cầu tại thông báo. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của các địa phương.

Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023. Tăng cường công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành. Thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ chức thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để phát hiện những quy định chồng chéo, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đối với người dân, doanh nghiệp và sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.

Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác rà soát văn bản ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.


Tác giả: BBT