A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 06 tháng đầu năm 2023

Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh: Trong 06 tháng đầu năm 2023, công tác PBGDPL được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và rộng khắp; nội dung phổ biến phù hợp với nhu cầu thực tiễn và từng đối tượng, địa bàn; hình thức đa dạng, phong phú, gần gũi với người dân, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến hoạt động truyền thông chính sách, hướng mạnh về cơ sở. Qua đó, tạo ra sự chuyển biến tích cực về hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật của người dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo đồng thuận và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh. Cụ thể:

Thông qua phổ biến pháp luật trực tiếp: Các ngành, các cấp tiếp tục phát huy hiệu quả công tác PBGDPL, gắn với nhiệm vụ chuyên môn và coi công tác này là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp được thực hiện rộng rãi, thường xuyên thông qua Hội nghị, tập huấn, cuộc họp, chào cờ, họp giao ban, sinh hoạt của tổ chức chính trị và đoàn thể..., qua đó, các văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương ban hành, đặc biệt là các văn bản liên quan chặt chẽ đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cũng như cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt và nhất là các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như: quyền và lợi ích người dân, doanh nghiệp; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn giao thông đường bộ; tội phạm, ma túy, phòng chống mua bán người; dịch bệnh; phòng, chống tham nhũng... cũng được quán triệt kịp thời cho CBCCVC, NLĐ và Nhân dân biết, thực hiện.

Ở cấp tỉnh: Tùy vào chức năng, nhiệm vụ và đối tượng cụ thể, các đơn vị đã lựa chọn nội dung các văn bản pháp luật để phổ biến, quán triệt và đạt được một số kết quả sau: Ban Dân tộc phối hợp với Sở Y tế tổ chức 08 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tại huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy, Đăk Tô thuộc tiểu dự án 2 thuộc dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tích cực phối hợp, tổ chức phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và cán bộ, Nhân dân trên khu vực biên giới được 657 buổi với 46.358 lượt người tham gia với các nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động tỉnh Kon Tum, thu hút 80 cử tri là đoàn viên, người lao động tham dự.

- Ở cấp huyện: Các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả công tác PBGDPL, trong đó nội dung bám sát vào chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của Sở Tư pháp; hình thức đa dạng, linh hoạt, phong phú phù hợp với đặc thù của từng đối tượng, địa bàn quản lý, cụ thể: Thành phố Kon Tum tổ chức phổ biến pháp luật được 268 cuộc/18.333 lượt người tham gia; Huyện Đăk Tô tổ chức 67 cuộc/5.776 lượt người tham dự; Huyện Ia H'Drai tổ chức 14 cuộc/1.989 lượt người tham gia; Huyện Sa Thầy tổ chức 84 cuộc/4.718 lượt người tham gia;

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong giai đoạn hiện nay được xem là hình thức phổ biến nhanh chóng, kịp thời, đa dạng và đem lại sự tiện lợi, hiệu quả cao, được nhiều đối tượng ở các lứa tuổi quan tâm nên được các ngành, địa phương thực hiện chủ yếu, thường xuyên và liên tục, gắn liền với phạm vi quản lý Nhà nước và địa bàn quản lý, cơ bản bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương, của địa phương và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:

Sở Tư pháp tăng cường biên soạn, đăng tải Đề cương giới thiệu văn bản pháp luật theo định kỳ hàng quý, các tài liệu pháp luật (tờ gấp, hỏi đáp pháp luật, sổ tay…); kịp thời đăng tải các tin, bài... có nội dung liên quan đến văn bản pháp luật mới, quan trọng, các văn bản pháp luật chuyên ngành, các nội dung mang tính thời sự, được dư luận quan tâm; xây dựng các chuyên mục "Mỗi tuần một điều luật", "Truyền thông dự thảo chính sách" trên Trang Thông tin điện tử của Sở và Trang Thông tin điện tử PBGDPL tỉnh để các cán bộ, Nhân dân khai thác, tìm hiểu, sử dụng; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 6 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, 6 chuyên trang và phát hành 13 bản thông tin nội bộ; Liên đoàn lao động tỉnh đăng tải 68 tin, bài, phóng sự, hình ảnh về phổ biến pháp luật trên Trang thông tin điện tử cơ quan; Công an tỉnh đăng tải trên Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh 63 tin, bài PBGDPL, tăng cương tổ chức tuyên truyền trong chuyên mục “An ninh Kon Tum" phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và diễn đàn “Công an Kon Tum lắng nghe ý kiến của Nhân dân”… Thành phố Kon Tum thực hiện đăng tải trên sóng phát thanh thành phố được 17 tin và 06 bài; đăng trên Trang thông tin điện tử được 06 tin; thiết kế đưa vào hoạt động chuyên mục “Tuyên truyền chính sách và pháp luật” trên Trang thông tin điện tử thành phố được 30 văn bản chính sách pháp luật 9 , thực hiện phát thanh tại cơ sở với 25.357 giờ…

Thông qua biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu phổ biến pháp luật: Nhằm cung cấp tài liệu phục vụ công tác phổ biến và tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, Nhân dân, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung biên soạn, phát hành sách, báo, hỏi đáp, tờ gấp, đề cương, ấn phẩm chuyên ngành... phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đặc biệt là nội dung liên quan đến các vấn đề pháp luật nổi cộm, các vấn đề dư luận quan tâm, truyền thông các chính sách; các văn bản luật mới, quan trọng, văn bản chuyên ngành liên quan trực tiếp đến cán bộ, người dân.

Theo đó, trong 06 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp quan tâm, chú trọng việc biên soạn, cấp phát miễn phí, đa dạng các nguồn tài liệu pháp luật nhằm góp phần nâng cao kiến thức, sự hiểu biết cán bộ, Nhân dân, cũng như giải đáp thắc mắc các vấn đề pháp luật cho bạn đọc nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung, hướng mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng tổ chức có hiệu quả nội dung này thông qua việc cấp phát, nhân bản cũng như chủ động đổi mới nội dung, hình thức và biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với đối tượng, địa bàn quản lý.

Thông qua việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật: Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Văn bản số 1800/UBND-NC ngày 15 tháng 6 năm 2023 nhằm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, địa phương tiếp tục thực hiện một số nội dung về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật theo yêu cầu; đồng thời, tiếp tục bổ sung kịp thời các sách, tài liệu pháp luật mới; thường xuyên rà soát, cập nhật, hệ thống hóa sách, tài liệu pháp luật đảm bảo thuận tiện cho việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của CBCCVC NLĐ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các ngành, địa phương chú trọng chỉ đạo rà soát, tổ chức thực hiện tốt việc duy trì Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị và cấp xã theo quy định; bố trí kinh phí, thường xuyên cập nhật sách mới cho tủ sách pháp luật, đảm bảo thuận tiện cho việc khai thác, quản lý và phục vụ tốt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn như:

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tham mưu xây dựng và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt hệ thống tủ sách, ngăn sách pháp luật từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đến các đơn vị với hơn 230 đầu sách pháp luật, động viên hơn 1.530 lượt cán bộ, chiến sỹ học tập, tham khảo, nghiên cứu pháp luật. Đã cấp hơn 50 đầu sách pháp luật cho các cơ quan, đơn vị đúng theo quy định. Thường xuyên quan tâm chuyển cấp, bổ sung, củng cố tủ sách, ngăn sách pháp luật ở cơ quan, các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi cho CBCS và cán bộ, Nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu về các văn bản pháp luật; Các phòng thuộc Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố chú trọng việc đầu tư, xây dựng 25 tủ sách pháp luật phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, nhận thức về pháp luật và tra cứu văn bản pháp luật phục vụ công tác chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ...

Ngoài các hình thức chủ yếu nêu trên, gắn với chức năng, nhiệm vụ và đối tượng, địa bàn thuộc phạm vi quản lý, các ngành, địa phương còn thực hiện việc PBGDPL thông qua các hình thức khác cũng đem lại nhiều kết quả tích cực, như: Hoạt động HGCS; trợ giúp pháp lý; xét xử lưu động; niêm yết thủ tục tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính; hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lồng ghép trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đua, sinh hoạt của tổ chức chính trị và đoàn thể, câu lạc bộ và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; thông qua tổ chức các Cuộc thi/Hội thi... qua đó, hoạt động phổ biến, truyền tải các quy định pháp luật được thực hiện kịp thời, thường xuyên và không ngừng nâng cao ý thức tự giác học tập, chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Điển hình: Công an tỉnh tổ chức cho 219 hộ gia đình ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về quản lý, sử dụng pháo theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ, 261 lái xe, chủ phương tiện ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ; Huyện Đăk Hà tổ chức “Phiên tòa giả định” nhằm đẩy mạnh hoạt động PBGDPL về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Ngọk Réo với trên 200 người tham dự…


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan