A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

        Vừa qua, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 105-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04-5-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

         Kế hoạch nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thu hút 45-50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng một phần chức năng trugn tâm vùng, cơ bản tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; có khoảng 5-7 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1-2 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong các vùng trên cả nước. Đến năm 2045, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, tiếp cận được trình độ tiên tiến của thế giới.

Kon Tum dao tao nghe cho dong bao dan toc hinh anh 4

          Đào tạo nghề cạo mủ cao su giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh (Ảnh: VP)

        Để hoàn thành mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra 04 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tổ chức nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TW đến cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu thập, cải thiện cuộc sống cho người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng, nhất là lực lượng sinh viên, học sinh, lao động trẻ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.

        Đối với nhiệm vụ tham gia hoàn thiện và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, cần thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm thống nhất, toàn diện, bao trùm, bền vững, gắn với thị trường lao động. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động từ các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.

          Về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp và chủ động liên kết, hòa nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, cần đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.

          Về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền, giám sát thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, cần tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các chương trình, chính sách về giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, gắn với việc triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.


Tác giả: Khánh Vi