A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản

UBND tỉnh ban hành Công văn số 2466/UBND-NNTN về việc tổ chức triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Theo đó, triển khai thực hiện Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 01/5/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao.

Trong đó, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai đảm bảo các nội dung, mục tiêu Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị có liên quan để đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển thủy sản, cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản, đồng thời lồng ghép các nội dung của chính sách vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả về phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng nuôi tập trung, các hợp tác xã, tổ hợp tác theo mô hình nuôi khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ... Tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp và các hộ nuôi trong mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản, các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm thủy sản có khả năng truy xuất nguồn gốc và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; từng bước hình thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã... theo vùng nuôi trồng thủy sản sản xuất theo hướng hàng hoá, tập trung, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Định kỳ (hoặc đột xuất) tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và điều kiện sẵn có. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia, nâng cao vị thế, thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia từng bước đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ có chất lượng, có chứng chỉ cho chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu và cấp chứng chỉ các - bon.


Tác giả: Khánh Vi