A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

 

Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền mà trực tiếp, thường xuyên là Đảng uỷ CATW, lãnh đạo Bộ Công an; Đảng uỷ, lãnh đạo Công an các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các lực lượng trong và ngoài ngành; sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, lực lượng Cảnh sát PCCC đã khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận chống giặc lửa.

Đầu năm 1945, cùng với phong trào cách mạng của cả dân tộc, một số anh em binh sỹ Sở Cứu hỏa Sài Gòn – Chợ Lớn đã bắt liên lạc với cán bộ cách mạng, tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết tố cáo sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở đồn điền cao su Phú Riềng, xưởng đóng tàu Ba Son, đồng thời thành lập tổ chức Thanh niên tiền phong và Việt Minh của Sở để tổ chức giành chính quyền cơ sở. Ngày 24/8/1945, Sở Chữa lửa Sài Gòn – Chợ Lớn là một trong 6 đơn vị treo cờ đỏ sao vàng đầu tiên của thành phố. Tiếp đó, ngày 28/8/1945 anh em của Sở Chữa lửa Sài Gòn – Chợ Lớn đi trên xe chữa cháy tham gia diễu hành cùng hàng vạn người của thành phố. Sở đã giao 2 chiến sỹ chữa cháy bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng và một trong hai chiến sỹ đã hy sinh dưới tháp tập do thực dân Pháp bắn. Vào ngày 24/9/1945, chiến sỹ Sở chữa lửa được lệnh rút ra căn cứ, tối 24/9, lực lượng chúng ta đã tổ chức đánh vào Sở chữa lửa cướp xe chữa cháy rút về Gò Đen, Bến Lức, Long An, tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Lực lượng này là nòng cốt của lực lượng Cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh.

Tại miền Bắc, thất bại ở Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, thực dân Pháp có ý đồ di chuyển phương tiện, xe chữa cháy của Hà Nội rút vào Nam nhưng Tổ công đoàn đã đấu tranh giữ toàn bộ phương tiện chữa cháy của Sở cho đến ngày giải phóng Thủ đô. Ngày 11/10/1954, đoàn cán bộ thuộc Sở Liêm Phóng vào tiếp quản Đội Cứu hỏa Hà Nội. Tháng 12/1954 Đại đội cứu hỏa Hà Nội thuộc Phòng Trị an dân cảnh được thành lập với 7 xe chữa cháy và gần 60 cán bộ chiến sỹ. Lực lượng này tham gia giữ gìn trật tự an toàn, cứu chữa các vụ cháy xảy ra và các vụ cháy do đốt phá của thực dân.

Ngày 01/01/1955, Đại đội cứu hỏa Hà Nội nhận nhiệm vụ cử một tiểu đội tham gia bảo vệ lễ đài Ba Đình trong buổi míttinh của nhân dân Thủ đô chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trở về Thủ đô. Cũng trong ngày này, lực lượng Cảnh sát PCCC vinh dự được Bác Hồ thân mật bắt tay từng người một và Người đã có lời chúc Tết đối với lực lượng Cảnh sát PCCC tham gia bảo vệ buổi lễ. Lời chúc “Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp, nhưng phải tích cực học tập” năm đó luôn là mục tiêu phấn đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC cho đến bây giờ.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục hoàn thành Cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Lực lượng Công an có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó có nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC… Để thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy có hiệu quả, ngày 30/12/1955, Chính phủ có Văn bản số 3366/CP về việc giao Bộ Công an quản lý công tác phòng hỏa, cứu hỏa; tiếp nhận xe và máy bơm chữa cháy do Liên Xô viện trợ.

Đến ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 53/LCT của Chủ tịch nước công bố “Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC” (gọi tắt là Pháp lệnh PCCC), trong đó tại Điều 3 quy định: Bộ Nội vụ tổ chức ra Cục Phòng cháy và chữa cháy. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi về chất trong công tác PCCC của Nhà nước, đồng thời mở ra một trang mới trong lịch sử của lực lượng Cảnh sát PCCC.  

Năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Bộ Công an chỉ thị cho các lực lượng Công an tăng cường công tác phòng không nhân dân, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ an toàn giao thông, PCCC… Nhiều đơn vị, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với dân quân tự vệ dũng cảm tham gia chữa cháy, bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân. Điển hình: Vụ máy bay Mỹ đánh phá trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Đồng Giao, Ninh Bình ngày 8/6/1965, lực lượng Cảnh sát PCCC đã cắt được luồng lửa đang cháy xung quanh quả tên lửa rồi di chuyển quả tên lửa đến địa điểm an toàn; Vụ máy bay ném bom trúng Ga Gôi thuộc tỉnh Hà Nam ngày 20/6/1965 làm một đoàn tàu chở thuốc trừ sâu bốc cháy, lực lượng PCCC đã cứu được 10 toa hàng và 1 toa thuốc trừ sâu, nhưng 3 chiến sĩ Công an Hà Nam và 15 người tham gia chữa cháy đã bị ngộ độc và anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; Vụ chữa cháy 4 xà lan lớn chở xăng dầu trên Vịnh Hạ Long; Vụ chữa cháy khu lắp ráp tên lửa ở đồi Nhơm, Triệu Sơn, Thanh Hóa;Vụ chữa cháy Tổng kho xăng dầu Đức Giang ngày 24/6/1966 và hàng trăm vụ cháy lớn phức tạp khác xảy ra trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội đã được cứu chữa kịp thời.

Kết quả hình ảnh cho Vụ chữa cháy Tổng kho xăng dầu Đức Giang

Vụ chữa cháy Tổng kho xăng dầu Đức Giang ngày 24/6/1966

 

Với thành tích, chiến công đã đạt được, ngày 03/8/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô. Đây cũng là lời khen ngợi chung của Bác Hồ đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong cả nước. Nội dung bức thư, Bác viết:“Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn. Bác rất vui lòng khen ngợi tất cả cán bộ và chiến sỹ. Nhân đây, Bác dặn thêm mấy điều này:

– Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.

– Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

– Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy và chữa cháy.

– Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.”

Kết quả hình ảnh cho Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC

Thư Bác Hồ gửi cán bộ chiến sỹ Đội PCCC – Công an Hà Nội

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục nền kinh tế, từng bước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Cùng với Lực lượng Công an nhân dân cả nước, lực lượng Cảnh sát PCCC vừa củng cố, xây dựng lực lượng, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCCC, kiểm tra, hướng dẫn biện pháp an toàn cho các kho tàng, bến bãi, cơ sở kinh tế, quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an xác định công tác bảo đảm an toàn PCCC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Để kịp thời phục vụ sự nghiệp phát triển KT – XH và công cuộc đổi mới của đất nước, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham mưu, đề xuất, giúp Bộ Công an từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực PCCC. Đặc biệt, ngày 25-6-2015, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 47-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC”. Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22-9-2015 ban hành “Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW”. Đây là lần đầu tiên có Chỉ thị của Ban Bí thư về lĩnh vực PCCC, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với công tác này, Chỉ thị được ban hành sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đối với công tác PCCC, CNCH.

G:Tài liệu Hội thao PCCC 2016Ảnh maketimages577241_A-1.jpg

Lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ

 

Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát PCCC đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác PCCC đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Ghi nhận những chiến công xuất sắc của lực lượng Cảnh sát PCCC trong 55 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 15 đơn vị Cảnh sát PCCC, trong đó có 13 đơn vị anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, 2 đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, toàn lực lượng được tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Quân công Hạng Nhất, ngoài ra, các tập thể và cá nhân lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý khác


Đội Tham mưu – Phòng CS PCCC&CNCH