A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng An ninh nhân dân, những chiến công thầm lặng

 

Trải qua các thời kỳ của lịch sử, lực lượng An ninh đã lần lượt đánh thắng các cơ quan tình báo đế quốc, cũng như các cơ quan tình báo dày dặn kinh nghiệm trên Thế giới. Nhân tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng an ninh Nhân dân (12/7/1946-12/7/2016), chúng ta cùng ôn lại những chiến công thầm lặng, nhưng rất đỗi tự hào của lực lượng an ninh qua các thời kỳ.

Vụ án Phố Ôn Như Hầu

Chính quyền cách mạng non trẻ vừa được thành lập đã phải đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng, vận mệnh của dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng An ninh làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh  phản cách mạng, tiến hành bóc gỡ nhiều tổ chức phản động, bảo vệ Đảng, chính quyền và thành quả cách mạng.

 

F:baohinhlich su an ninh113--56-Vu-an-On-Nhu-Hau-BTCAND--1-635751404277370349.jpg

Nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) – một trong số những trụ sở của bọn phản động Quốc dân đảng tại Hà Nội (năm 1946)


Đặc biệt, ngày 12/7/1946, Nha Công an Trung ương đã khám phá vụ án phản cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), phối hợp với các lực lượng vũ trang và nhân dân, đồng loạt tấn công, bóc gỡ 40 trụ sở Quốc dân đảng, bắt trên 100 tên phản động, đập tan âm mưu đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng của thực dân Pháp và bọn phản động. Ý nghĩa của nó không những là đập tan âm mưu của bọn phản động cấu kết với nước ngoài để mưu đồ giành giật chính quyền ở Hà Nội, bằng hành động có tính chất đảo chính.

Lịch sử đã trải qua gần 70 năm, xong những bài học rút ra từ vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu vẫn còn nguyên giá trị, là mốc son chói lọi trong hành trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng An ninh nhân dân, đó mãi là niềm tự hào và là động lực cách mạng để thế hệ cán bộ chiến sỹ công an hôm nay và mai sau tiếp tục phấn đấu cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ An ninh tổ quốc, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng.

Tổ điệp báo A13

Cuối năm 1947, sau khi bị thất bại trong cuộc hành quân lên Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang đánh lâu dài, sử dụng “con bài” Bảo Đại, lập chính phủ bù nhìn theo “lý tưởng quốc gia”, trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam. Lúc 3 giờ sáng ngày 27/9/1950, Tổ điệp báo gồm các đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi trong vai “vợ Quốc vụ khanh Hoàng Đạo” và đồng chí Hải mang vali có chứa 30kg thuốc nổ lên Thông báo hạm để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong vali thuốc nổ, các đồng chí trong tổ chia tay đồng chí Lợi ở lại. 30 phút sau, Thông báo hạm Amiôđanhvin bị nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá. Chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thị Lợi đã anh dũng hy sinh trong trận này.

 

F:baohinhlich su an ninh3_thbao1596-400.jpg

Thông báo hạm Amiôđanhvin


Chiến công đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin là một trong những chiến công tiêu biểu của lực lượng Công an nhân dân, đã góp phần đập tan âm mưu của Pháp và tay sai hòng xây dựng “chiến khu quốc gia” đánh chiếm vùng tự do Thanh – Nghệ – Tĩnh, phá mưu đồ mua chuộc, lôi kéo những người “kháng chiến ly khai” Chính phủ Việt Minh trở về với chính phủ quốc gia bù nhìn.

Chuyên án TN25

Chuyên án TN25 kéo dài 6 năm (1953 – 1958), ta đã sử dụng người của địch, phương tiện liên lạc của địch để dẫn dụ chúng vào “Trò chơi nghiệp vụ”, từ đó điều khiển, đập tan âm mưu của cơ quan tình báo Pháp, đưa điệp viên thâm nhập vào vùng tự do và thủ đô kháng chiến, bóc gỡ nhiều đầu mối gián điệp của địch cài cắm. Từ chuyên án TN25, lực lượng công an khai quật kho vũ khí, điện đài mà gián điệp Pháp chôn giấu tại Hà Nội.

 

F:baohinhlich su an ninh3_sach3181-450.jpg

F:baohinhlich su an ninh3_sach3181-450-1.jpg

Cuốn sổ mật mã và bức ảnh cắt làm đôi sử dụng để

liên lạc của nhóm điệp viên bị lực lượng Công an thu giữ


Thực hiện âm mưu phá hoại căn cứ kháng chiến, phá hoại các cơ quan đầu não của cách mạng, tình báo Pháp thực hiện sử dụng thủ đoạn “gián điệp trá hàng” nhằm đưa người của chúng vào vùng tự do, xâm nhập vào nội bộ ta. Trong 02 năm (1952 – 1953), lực lượng Công an đã khám phá 15 vụ gián điệp, kết luận rõ 11 vụ “gián điệp trá hàng” ở các liên khu, tỉnh. Kết quả này đem lại nhiều bài học kinh nghiệm của lực lượng phản gián trong đấu tranh chống “nội gián” ở thời kỳ sau này, phục vụ hiệu quả cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chuyên án C30

Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ thế hệ đầu tiên của Lực lượng An ninh nhân dân, Cơ quan Bộ Công an, Công an Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và nhiều tỉnh khác từ Khu III vào tới Vĩnh Linh đã trực tiếp tham gia đấu tranh chuyên án C30.

 

F:baohinhlich su an ninh20150514_114331.jpg

Ban chuyên án C30 khai quật địa điểm giấu vũ khí, phương tiện

hoạt động của tổ chức gián điệp do Trần Minh Châu cầm đầu (1957)


Tháng 8/1954, Cơ quan tình báo Mỹ tuyển chọn 16 tên, chủ yếu là những tên trong đảng Đại Việt, đưa sang đảo Guam huấn luyện gián điệp. Sau khóa huấn luyện 3 tháng, chúng chọn 7 tên là Trần Minh Châu, Phạm Đăng Hào, Vũ Văn Đích, Nguyễn Đình Long, Phạm Rật Đức, Nguyễn Kim Điển, Bùi Văn Tiềm cho xâm nhập trở lại miền Bắc để thực hiện nhiệm vụ. Ngày 3/6/1955 chuyên án đấu tranh với tổ chức gián điệp này được xác lập, lấy bí số là C30 trong đó Hà Nội là địa bàn đấu tranh chính. Bằng tinh thần mưu trí, sáng tạo và hiệp đồng chặt chẽ, Lực lượng An ninh nhân dân đã vô hiệu hóa toàn bộ hoạt động của từng nhóm và cả tổ chức gián điệp này, đánh bại hoàn toàn âm mưu và kỳ vọng của Cơ quan tình báo Mỹ. Hơn thế nữa, tương kế tựu kế, ta đã khéo léo áp dụng chiến thuật sử dụng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại chúng. Ngày 11/11/1958, ta đồng loạt phá án, bắt 12 đối tượng chính là Trần Minh Châu, Vũ Đình Đích, Bùi Mạnh Tiềm, Nguyễn Sĩ Hoàng, Phạm Văn Lan, Nguyễn Thị Nghĩa, Bùi Công Ký, Bùi Văn Lưu, Lê Văn Hồng, Trần Ngọc Giao, Nguyễn Đình Long, Việt Hổ, khai quật 8 kho vũ khí bí mật.

Chuyên án PY27

Ngày 27/1/1961, Trạm Cảnh giới thuộc Bản Hỳ, xã Phiêng Ban, huyện Yên Châu (Sơn La), phát hiện tiếng máy bay lạ. Lập tức, dân quân đánh kẻng báo động. Nghe hiệu lệnh, dân quân, du kích và bà con các bản triển khai ngay đội hình quan sát theo phương án đã được tập dượt thuần thục và phát hiện máy bay địch thả dù xuống điểm cao 828.

 

F:baohinhlich su an ninhchuyen an PY27.jpg

Tổ công tác vũ trang Tây Bắc duyệt phương án bắt

toán gián điệp biệt kích khi chúng vừa nhảy dù xuống


Ngay trong đêm, việc bao vây, tổ chức truy lùng được triển khai ráo riết. Toán biệt kích gồm 4 tên có biệt danh là Castor đã bị bắt cùng toàn bộ phương tiện hoạt động khi chưa kịp liên lạc về trung tâm. Castor là toán đầu tiên bị bắt và giữ vai trò đặc biệt quan trọng, từ toán này, lực lượng An ninh đã dụ địch, khiến chúng bị cuốn vào ‘Trò chơi nghiệp vụ’ hoạt động theo ý đồ sắp xếp của ta. Sau hơn 5 năm đấu tranh, Chuyên án PY27 đã kết thúc thắng lợi, lực lượng An ninh đã tóm gọn 68 tên biệt kích, thu hàng chục tấn vũ khí, chất nổ, đạn rocket 3,5 và nhiều loại máy móc hiện đại. Những thông tin tình báo thu thập được từ các toán biệt kích bị bắt nêu trên có giá trị quý trên địa bàn Tây Bắc nói riêng, toàn miền Bắc nói chung. Từ Chuyên án PY27 mở đầu, đến năm 1973, lực lượng An ninh đã tổ chức đấu tranh thắng lợi 27 chuyên án biệt kích, gián điệp bằng chiến thuật ‘dùng người của địch, phương tiện của địch để đánh lại địch…’.

Kế hoạch KHCM12

Tháng 2.1976, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh – nguyên là sĩ quan ngụy, từng làm gián điệp cho Pháp và Mỹ đã di tản sang Pháp đứng ra lập tổ chức phản động “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Được sự nuôi dưỡng, yểm trợ của nhiều cơ quan tình báo gián điệp nước ngoài và bọn phản động quốc tế, chúng ráo riết tập hợp một số tên phản động người Việt lưu vong để phát triển lực lượng, tìm đường trở về Việt Nam âm mưu gây bạo loạn cục bộ, tiến hành nội chiến, kết hợp với các hoạt động gây sức ép với Việt Nam về chính trị và quân sự từ bên ngoài. Địa bàn hoạt động chính của chúng là các tỉnh Minh Hải, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé và vùng rừng Sác Nam bộ.

Phát hiện được âm mưu, ý đồ đó của chúng, Bộ Công an đã quyết định thành lập chuyên án đấu tranh mang tên “Kế hoạch CM12”, vừa để tìm hiểu âm mưu chiến lược của các thế lực thù địch, vừa đấu tranh đập tan các hoạt động của chúng, bóc gỡ những cơ sở phản động ở trong nước.

Gần 4 năm liên tục đấu tranh, lực lượng công an đã chủ động đón bắt 10 toán thâm nhập của địch gồm 146 tên, trong đó có 2 tên cầm đầu là Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, thu 143 tấn vũ khí các loại, 16 điện đài, 300 triệu đồng tiền Việt Nam giả và 2 tàu thâm nhập. Ở nội địa, lực lượng công an đã điều tra, phát hiện, phá nhiều tổ chức phản động và bóc gỡ hầu hết các cơ sở của chúng.

 

F:baohinhlich su an ninhtải xuống.jpg

Một số vũ khí và tang vật thu được trong kế hoạch KHCM12


Tháng 12.1984, Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa công khai xét xử bọn phản động nói trên tại TP. Hồ Chí Minh, đập tan âm mưu phá hoại và lật đổ của bọn phản cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị của đất nước.

 

F:baohinhlich su an ninhtải xuống (1).jpg

Các đối tượng mà ta đã đưa ra xét sử tại

tòa án nhân dân tối cao Tp. Hồ Chí Minh


Trong hơn 03 năm đấu tranh chuyên án CM12 (1981 – 1984), lực lượng an ninh Việt Nam đã lập nên một kỳ tích: đón bắt 18 chuyến xâm nhập, 189 tên gián điệp biệt kích, 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả, 02 tàu vận tải, bóc gỡ 10 tổ chức phản động trong nước, triệt phá thành công cuộc nhập biên phá hoại của bọn phản động lưu vong do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Trong những năm gần đây, lực lượng An ninh làm nòng cốt cùng các lực lượng khác giải quyết thành công các điểm nóng, các cuộc biểu tình, bạo loạn chính trị, giải quyết ổn định tình hình chính trị xã hội. Nhiều đối tượng chống đối, cơ hội chính trị, bất mãn cấu kết với địch, nhất là số hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, cố tình đi ngược lại quyền lợi của đất nước đã bị đấu tranh nghiêm trị, góp phần bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, chủ động tấn công mạnh mẽ, vạch mặt các âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Đồng thời, nêu nâng cao ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân.

Trải qua các thời kỳ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ chiến sỹ an ninh đã cống hiến trí tuệ, sức lực, xương máu và cả sinh mạng của mình lập nhiều chiến công, kỳ tích trên mặt trận đấu tranh chống phản cách mạng, làm rạng rỡ thêm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.


Đăng Sơn (Phòng CPĐ và CKB)