A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

90% tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên quan đến mô tô, xe gắn máy

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 257.088 mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, chiếm 94% dòng giao thông, hơn 90% vụ tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay có liên quan đến mô tô, xe gắn máy và nguyên nhân cơ bản chủ yếu thuộc về ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người điều khiển mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông.

Hiện trường 01 vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh (ảnh minh họa)

Theo thống kê của Công an tỉnh Kon Tum, hiện nay số xe đang được quản lý là 273.032 xe (xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện là 257.088, chiếm 94%); năm 2016, 2017 và 06 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 174 vụ TNGT, trong đó số vụ TNGT liên quan đến phương tiện là mô tô, xe gắn máy là 157 vụ (chiếm 90,2%) làm chết 164 người, 128 người bị thương. Qua phân tích các vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy nêu trên, cặp phương tiện giao thông ô tô-mô tô chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 47,8%), cặp mô tô-mô tô chiếm 38,2%… Nguyên nhân được xác định chủ yếu thuộc về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, đi sai phần đường, làn đường…; đối tượng bị TNGT chủ yếu là nam giới trong độ tuổi từ 18 – 55 tuổi; TNGT chủ yếu diễn ra ở các địa bàn phức tạp vềtrật tự an toàn giao thông (TTATGT), các tuyến Quốc lộ, các khu vực nội thành phố, nội thị trấn, đường nông thôn và tập trung trong khoảng thời gian cao điểm từ sau 12h00 – 24h00 (xảy ra nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 18h00 – 24h00)…

Thời gian qua, Công an tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời các chủ trương, chính sách đảm bảo TTATGT như Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTTATGT… Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác nhằm kiềm chế TNGT. Đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm về TTATGT, định kỳ hàng tháng, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch TTKS giao thông và thường xuyên mở các chuyên đề, các đợt cao điểm đảm bảo TTATGT; trong đó, tập trung vào các đối tượng là người điều khiển mô tô, xe gắn máy, ô tô con, ô tô chở người, ô tô tải trên các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, các tuyến đường trọng điểm, các tuyến đường có nhiều đèo, dốc nguy hiểm thường xảy ra TNGT. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy tập trung kiểm tra, xử lý đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm các lỗi như: Không đội mũ bảo hiểm (kể cả vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy); không có giấy phép lái xe; chở quá số người; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu giao thông; lạng lách, đánh võng; rú ga (nẹt pô); điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông… Đồng thời, thông qua công tác TTKS, chủ động phát hiện, kiến nghị khắc phục “điểm đen” về TNGT, các bất hợp lý về tổ chức giao thông; kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT.

Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình TNGT nói chung và TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy nói riêng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Song song với sự tăng trưởng về kinh tế – xã hội là tốc độ gia tăng về người và phương tiện tham gia giao thông trong khi kết cấu hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ do đó TNGT vẫn tiềm ẩn ở mức cao. Bên cạnh những người dân, người tham gia giao thông có ý thức tốt, thực hiện văn hóa giao thông, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông còn có một bộ phận không nhỏ người điều khiển mô tô, xe gắn máy có ý thức kém, vi phạm pháp luật giao thông với các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn; vi phạm quy định về tốc độ; đi sai phần đường, làn đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…

Do đó, để kiềm chế TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy; đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng Công an tỉnh cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp lãnh đạo đối với công tác bảo đảm TTATGT; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác kéo giảm TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy thuộc đơn vị mình quản lý. Chủ động nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp, các bất hợp lý, “điểm đen” về TNGT để tham mưu, đề xuất triển khai các biện pháp, kế hoạch đảm bảo TTATGT, làm giảm TNGT có liên quan đến mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông (nhất là người điều khiển mô tô, xe gắn máy) trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật (Cơ quan Tư pháp, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức tư vấn pháp luật), các cơ quan truyền thông địa phương, ngành giáo dục – đào tạo, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ… Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền. Tăng cường công tác TTKS, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATG; tăng cường TTKS lưu động để kịp thời phát hiện và tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT, đặc biệt trên các tuyến Quốc lộ, nội thị trấn; mở các đợt TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề, các đợt cao điểm đảm bảo TTATGT trong các ngày lễ, Tết. Điều tra làm rõ các vụ TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy; qua đó phân tích các lỗi vi phạm, chỉ rõ tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi vi phạm và những chế tài áp dụng nhằm giúp người vi phạm nhận thức đầy đủ, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật…

Thái Ngân