A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe đạp điện, xe máy điện


Thời gian qua, cùng sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, các loại phương tiện chạy bằng năng lượng điện như xe đạp điện, xe máy điện đã ra đời với nhiều tính năng hữu ích phục vụ cho việc đi lại của phần lớn đối tượng là học sinh, người lớn tuổi được thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng hơn. Song, những nguy hại xuất phát từ kỹ năng sử dụng phương tiện này gây ra không phải ai cũng hiểu rõ và phòng tránh.

C:UsersAdministratorDesktop20170728161228-xe-dien3.jpg

Nguy cơ mất ATGT từ các loại xe đạp điện, xe máy điện

Xe đạp điện, xe máy điện ngày càng trở nên phổ biến với các em học sinh, nhất là cấp THPT bởi sự tiện dụng.Một nghiên cứu độc lập được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố mới đây cho thấy, đa số học sinh THPT lựa chọn xe đạp điện, xe máy điện làm phương tiện đi lại hằng ngày.Với tốc độ di chuyển khá cao (từ 25 đến 50km/giờ), chi phí vận hành thấp, phù hợp với lứa tuổi, kiểu dáng đa dạng, không tiêu tốn nhiên liệu, xe điện đang dần thay thế xe đạp trên hành trình học sinh tới trường. Việc xe đạp điện, xe máy điện được sử dụng phổ biến cũng giúp hạn chế tình trạng các em học sinh điều khiển xe máy trái phép khi chưa đủ tuổi. Và đặc biệt, việc sử dụng các loại xe điện góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí bởi các loại khói độc thải ra từ đốt cháy nhiên liệu xăng, dầu.

Cả nước hiện có khoảng 2 triệu xe đạp điện đang lưu thông. Từ năm 2014, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, đăng kiểm, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đã nới lỏng một số quy địnhnhưng tỷ lệ người dân mang xe đi đăng ký, đăng kiểm vẫn rất ít. Đến nay, số lượng xe điện hai bánh đã thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký theo quy định chỉ chiếm tỉ lệ hơn 1,6%, rất nhỏ so với số lượng xe được đưa vào tham gia giao thông.

Theo nghiên cứusố liệu về tai nạn giao thông đối tượng là lứa tuổi học sinh THPT cho thấy, học sinh THPT liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông của trẻ em và tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng trong 2 năm gần đây. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, có tới 55% các vụ tai nạn giao thông xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện.Cứ 2 học sinh thì có 1 em bị tai nạn giao thông do xe đạp điện, xe máy điện.Có ba nhóm nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông liên quan đến các loại xe đạp điện, xe máy điện ở lứa tuổi học sinh, bao gồm: Đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát. Cụ thể:

Thứ nhất, đa phần xe đạp điện, xe máy điện có thể đi ở tốc độ 35-40 km/h, tốc độ này là bình thường với xe máy nhưng là tốc độ cao với xe đạp điện, xe máy điện. Bởi lẽ, loại xe này nhẹ hơn xe máy rất nhiều nên ở tốc độ này không an toàn, dễ gây tai nạn giao thông. Loại xe này cũng dễ tăng tốc độ, chỉ cần vặn nhẹ tay ga là tốc độ tăng lên bất ngờ. Vì vậy, nếu chạy quá tốc độ, người điều khiển rất dễ rơi vào tình trạng thắng không kịp, thắng gấp dễ dẫn đến tai nạn. Với người điều khiển ít kinh nghiệm xử lý các tình huống giao thông, vấn đề này lại càng dễ xảy ra va chạm trong khi đó, hầu hết trên thực tế người sử dụng xe đạp điện là các em học sinh, kinh nghiệm xử lý tình huống khi tham gia giao thông chưa nhiều hoặc người điều khiển là người cao tuổi, phản ứng thường chậm cũng dễ gây mất an toàn giao thông. Các loại xe đạp điện, máy điện hiện nay thường có bánh nhỏ, tiết diện lốp nhỏ, trọng tâm lại cao do đó thường vào cua với tốc độ cao, nhất là gặp đường trơn càng dễ bị đổ, trượt, gây tai nạn. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện nhưng thực tế nhiều tai nạn đau lòng đã xảy ra liên quan đến hai loại phương tiện tưởng chừng an toàn, dễ sử dụng này.

Thứ hai,nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện không có đèn xi-nhan nên lúc rẽ, chuyển làn nếu không ra tín hiệu thì rất nguy hiểm cho người điều khiển. Hơn nữa, xe điện rất êm, di chuyển hầu như không gây tiếng ồn trên đường vì vậy các phương tiện khác rất khó để ý để tránh hoặc không kịp phát hiện để chủ động xử lý.

Thứ ba, tỷ lệ học sinh đi xe không có gương chiếu hậu rất cao, với xe máy điện chiếm khoảng 81%, xe đạp điện chiếm khoảng 90%. Điều này tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông cho học sinh sử dụng xe máy điện và đạp điện khi tham gia giao thông.Khi không có gương chiếu hậu sẽ dẫn đến mất tầm nhìn phía sau, làm cho người điều khiển không thể qua đường đúng cách và chuyển hướng đúng cách, dễ gây tai nạn, va chạm với các phương tiện khác.

Thứ tư, ý thức của một số em học sinh khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện tham gia lưu thông còn khá hạn chế. Với tâm lý chủ quan đối với loại phương tiện nhẹ, dễ sử dụng nên không ít trường hợp người điều khiển khi đi xe không đội mũ bảo hiểm, khi chuyển hướng, không đánh giá đúng vận tốc phương tiện đi tới và không bật tín hiệu xin đường, đi hàng hai, hàng ba, vượt đèn đỏ, phanh gấp, chở hai, chở ba phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng… cũng là những nguyên nhân tác động trực tiếp khiến tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến xe điện, nhất là ở độ tuổi học sinh ngày càng tăng cao.

Thứ năm, hiện nay chất lượng của các loại xe đạp điện, xe máy điện cũng là vấn đề đáng lưu ý. Việc quản lý xe đạp điện, xe máy điện còn chưa thống nhất nên chưa có số liệu đánh giá cụ thể về chất lượng của loại xe này, dẫn đến hiện tượng ngoài một số dòng xe chính hãng chất lượng tốt thì còn không ít các loại xe rẻ tiền không có có đầy đủ các bộ phận như đèn, còi, xi nhan… vẫn được bày bán tràn lan.

Hiện nay, rất nhiều người chủ quan cho rằng pháp luật nước ta không quy định về vấn đề đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện. Tuy nhiên, cần nhận thức rõ, việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện là hoàn toàn có quy định bắt buộc cụ thể tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hơn nữa, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện cũng chỉ nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành – điều này không chỉ là phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn là bảo vệ chính bản thân mình.

Tại khoản 19, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự. Trong khi đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP,ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã làm rõ vấn đề này tại điểm e, khoản 1, Điều 3: Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện). Như vậy, xe đạp điện là một loại xe đạp máy, thuộc nhóm phương tiện giao thông thô sơ và khi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ cũng sẽ bị xử lý theo các quy định như xe đạp máy.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 31, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì cả người điều khiển xe đạp điện và người ngồi trên xe đều phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng cách. Ngoài ra, Chỉ thị 04/CT-TTg, ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ “về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện” vừa được ban hành cũng đã yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh từ 6 tuổi trở lên được người lớn chở trên xe máy, xe đạp điện; giáo dục học sinh, sinh viên đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trở thành thói quen.

Cùng với hành vi không đội mũ bảo hiểm, người tham giao thông bằng xe đạp điện nếu vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt theo Điều 8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định;

b) Dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước;

c) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Điểm h Khoản 2; Điểm e Khoản 4 Điều này;

d) Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;

đ) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;

e) Chạy trong hầm đường bộ không có đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;

g) Điều khiển xe đạp, xe đạp máy đi dàn hàng ngang từ 03 (ba) xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ 02 (hai) xe trở lên;

h) Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động; người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù);

i) Điều khiển xe thô sơ đi ban đêm không có báo hiệu bằng đèn hoặc vật phản quang.

2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với người Điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, đỗ xe trên đường xe điện, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông;

b) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều 48 Nghị định này;

c) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ Điều kiện an toàn hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên;

d) Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường, gây cản trở giao thông;

đ) Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

e) Xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu;

g) Xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người Điều khiển;

h) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân Điều khiển xe đạp, xe đạp máy;

b) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người Điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

c) Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường;

b) Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô;

c) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

d) Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;

đ) Chở người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

e) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

5. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người Điều khiển phương tiện tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện.

Có thể nói, nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định của luật giao thông đường bộ cũng như chế tài xử lý vi phạm khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện còn rất hạn chế. Trong khi đó, đối tượng điều khiển xe đạp điện thường là học sinh phổ thông hoặc người lớn tuổi nên việc các lực lượng chức năng áp dụng chế tài xử lý vi phạm là khá khó khăn. Do vậy, về lâu dài, để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông từ xe đạp điện, xe máy điện, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những trường hợp không chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông bằng loại phương tiện này. Đồng thời, đẩy mạnh rà soátviệc đăng ký quản lý, sử dụng xe đạp điện, xe máy điện của các chủ phương tiện; kiểm tra, phát hiện vàsiết chặt xử lý đối với các cửa hàng buôn bán những loại xe không đủ chất lượng lưu thông đang được bày bán trên thị trường.

Thực tế, không thể phủ nhận những lợi ích về kinh tế cũng như bảo vệ môi trường đối với phương tiện xe đạp điện và xe máy điện. Tuy nhiên, gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn con em nên chấp hành tốt quy định khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, trang bị đầy đủ cho các em những kiến thức liên quan và cách sử dụng xe hiệu quả, an toàn,hạn chế thấp nhất những nguy hiểmcó thể xảy ra cho bản thân và cộng đồng. Người sử dụng xe cần nâng cao ý thức nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, lựa chọn mua những dòng xe chính hãng, chất lượng tốt, cẩn thận trong cách điều khiển, tuyệt đối không được chủ quanđể tránh gâyra những hậu quả khôn lường./.

Khánh Vi