A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp học sinh điều khiển xe khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 108 người chết, 111 người bị thương trong đó có 28 vụ TNGT liên quan đến người dưới 18 tuổi làm 20 người chết, 39 người bị thương.

Xảy ra nhiều tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật giao thông, gây tai nạn giao thông

Hiện nay, tình trạng học sinh đi mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện diễn ra khá phổ biến. Tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh vào giờ đến trường hay tan học, không ít học sinh điều khiển xe máy, mô tô không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu, nhiều em còn điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông…

Mặc dù thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức, nhưng tình trạng học sinh vi phạm các quy định về TT ATGT vẫn ở mức cao, đặc biệt là tình trạng điều khiển các loại phương tiện tham giao thông khi chưa đủ tuổi.

Lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện do lứa tuổi học sinh điều khiển

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 108 người chết, 111 người bị thương trong đó có 28 vụ TNGT liên quan đến người dưới 18 tuổi làm 20 người chết, 39 người bị thương.

Thực tế cho thấy đã có nhiều vụ TNGT đau lòng do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện gây ra. Điển hình như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 24/11/2023, tại trước cổng trường THPT Phan Bội Châu - Tỉnh lộ 671 (thuộc địa phận thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) do A.S (sinh năm: 2008; Trú tại: Thôn Plei Jơ Drợp, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) điều khiển xe mô tô 27S1-018.67 va chạm với xe mô tô BKS: 82B1-896.91 trên xe gồm có: A.T (sinh năm 2007; Trú tại: thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum); A. K (sinh năm 2008; Trú tại: thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) di chuyển theo hướng ngược lại làm cả ba người trong vụ TNGT đều tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn

Đây không chỉ là bài học của riêng gia đình các nạn nhân mà còn dành cho các bậc phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở con không điều khiển xe tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện để tránh xảy ra điều đáng tiếc.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và gia đình trong giáo dục thanh thiếu niên chấp hành pháp luật giao thông

Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân, đặc biệt là học sinh, thanh thiếu niên, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, triển khai các biện pháp bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường và huấn luyện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; xây dựng các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Văn hóa giao thông trong trường học”…

Đã tổ chức và phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật với 173 buổi tuyên truyền về TTATGT với 67.455 học sinh và 5.255 giáo viên tham dự. Phối hợp với nhà trường, gia đình tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về ATGT, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông cho 179 cơ sở giáo dục và 15.603 học sinh, sinh viên và giáo viên; 3.964 phụ huynh ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên khi chưa đủ điều kiện điều khiển; tổ chức 55 đội thanh niên tình nguyện nhằm hướng dẫn giao thông tại cổng trường, tuyên truyền trực tiếp về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, nhắc nhở các em học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện đúng các quy định về ATGT.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh cần phải hiểu rõ được sự nguy hiểm của việc để con em mình chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe mà điều khiển xe. Phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên nhắc nhở các em về những mối nguy hiểm tai nạn giao thông có thể xảy ra để tránh những hậu quả khôn lường đối với tương lai của con em, gia đình và toàn xã hội,

Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp học sinh điều khiển xe khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông

Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp học sinh điều khiển xe khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông; phối hợp với nhà trường kiểm tra khu vực trông giữ phương tiện của học sinh để xử lý các trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, gắn máy đến trường khi chưa đủ điều kiện…; bên cạnh đó, tổ chức cho nhà trường và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ttatgt, không giao xe cho con em điều khiển khi chưa đủ điều kiện.

Việc chủ phương tiện giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện, tùy theo mức độ hành vi, hậu quả xảy ra, người giao xe ngoài việc có thể phải bồi thường dân sự còn bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP:

- Chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô giao xe hoặc để cho người chưa đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức.

- Chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô) của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với chủ xe là tổ chức.

Còn theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản, hoặc làm chết người… có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tù cao nhất đến 7 năm tù./.

 

 

 


Tác giả: Hạnh Xuân