A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm trong xử lý lấn chiếm lòng đường

Ngày 08/4/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quy chế Phối hợp, phân công trách nhiệm giữa các ngành, các cấp trong công tác giải tỏa và xử lý việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lập chợ tự phát trong các đô thị trên địa bàn tỉnh.

http://www.baohaugiang.com.vn/uploads/image/2018/02/13/SB2452-14-1.jpg

Lực lượng chức năng nhắc nhở các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường (ảnh: Trường Sơn)

Theo đó, Chợ tự phát được hiểu là chợ mang tính truyền thống, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư nhưng không được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch mà hình thành một cách tự phát, không được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động; Vỉa hè, hè phố là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

Lực lượng trực tiếp tham gia phối hợp kiểm tra, xử lý là lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Công Thương, Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện hoặc phòng Quản lý đô thị thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã, Đơn vị quản lý đường bộ, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn.

Nội dung phối hợp bao gồm: (1) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về việc quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè và lập chợ trên địa bàn tỉnh; (2) Phối hợp, kiểm tra và xử lý các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và lập chợ tự phát trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành; (3) Tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các quy định, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong công tác giải toả và xử lý việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lập chợ tự phát trên địa bàn tỉnh.

Được thực hiện trên các hình thức sau: (1) Thực hiện thường xuyên, liên tục theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương theo Quy chế này hoặc Kế hoạch của các đơn vị, địa phương xây dựng, phê duyệt; (2) Trong phạm vi thẩm quyền quản lý, các bên chủ động cung cấp và kịp thời trao đổi thông tin, đồng thời đề xuất các nội dung, nhiệm vụ cần phối hợp để bảo đảm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện; (3) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; trường hợp cần lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần sự phối hợp thực hiện của các lực lượng chức năng liên quan để tiến hành kiểm tra, xử lý thì đơn vị, địa phương liên quan có thể lấy ý kiến bằng văn bản, mời làm việc trực tiếp để trao đổi, cung cấp thông tin hoặc ý kiến về chuyên môn thông qua các phương tiện thông tin liên lạc như điện thoại, email… (4) Công tác khác theo sự thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị phối hợp.

Công tác Phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn trong công tác giải tỏa và xử lý việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, lập chợ tự phát trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng vỉa hè, lòng đường, lập chợ tự phát, kiểm tra, xử lý nghiêm việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lập chợ tự phát trên địa bàn tỉnh; Lập lại kỷ cương về giao thông đường bộ, đảm bảo đường thông, hè thoáng, mỹ quan đô thị; đảm bảo lối đi cho người đi bộ, tầm nhìn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

Thái Ngân