A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An toàn phòng cháy, chữa cháy nhà ở kết hợp kinh doanh

Việc sử dụng nhà ở để kết hợp kinh doanh đang diễn ra rất phổ biến và có xu hướng phát triển mạnh, tuy nhiên việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Đặc điểm chung của loại hình này là diện tích nhỏ, thường tận dụng mặt bằng tầng trệt làm khu vực kinh doanh, kết hợp sử dụng diện tích còn lại làm khu sinh hoạt ăn, ở của gia đình; ba mặt được bịt kín bởi các công trình, nhà dân xung quanh nên khi xảy ra sự cố cháy, nổ rất dễ gây thiệt hại về người khi không có lối thoát; thường chứa nhiều vật dụng, hàng hoá dễ cháy, nguy hiểm cháy, nổ cao như hoá chất dễ cháy nổ, gas, xăng dầu, máy móc, vải, giấy, gỗ, nhựa, mút xốp, sơn, mực, cồn, rượu…; các vật dụng, hàng hoá với số lượng lớn trong một diện tích nhỏ thường được sắp xếp không hợp lý, lộn xộn, gần khu vực bếp đun nấu, thiết bị điện, thiết bị tiêu thụ điện; hàng hoá thường che chắn lối đi, cầu thang, hành lang gây cản trở lối thoát nạn…

Nhà ở kết hợp kinh doanh (ảnh minh họa)

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra mỗi người chủ cơ sở cần phải chủ động bố trí lối thoát nạn khẩn cấp bằng cửa sổ, ban công, lô gia hoặc sang nhà bên cạnh; trường hợp không thể bố trí được lối thoát phía sau phải có lối thoát lên phía trên sân thượng hoặc lên mái nhà để thoát xuống đất hoặc thoát qua mái nhà kế bên.

Bố trí, sắp xếp, hàng hoá khoa học, đảm bảo khoảng cách chống cháy lan, không cản trở đường thoát nạn, cửa ra vào, để cách xa bếp đun nấu, bàn thờ, thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện; tránh tồn chứa nhiều hàng hóa dễ cháy và các hàng hoá, vật dụng không cần thiết trong nhà.

Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện đảm bảo an toàn; cẩn thận trong việc nấu ăn, đốt nhang, đốt vàng mã, sử dụng bàn là, bếp điện; không sạc điện thoại, máy tính, xe đạp, xe máy điện qua đêm… kiểm tra thay thế các thiết bị điện đã hư hỏng; sử dụng aptomt, cầu chỉ để bảo vệ hệ thống điện; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn cùng lúc để tránh quá tải hệ thống điện.

Chủ động trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, cát, nước chữa cháy; các dụng cụ phục vụ công tác thoát nạn như thang dây, khẩu trang lọc độc, đèn pin; các dụng cụ phá dỡ như búa, xà beng…

Ngoài ra, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình phải nắm vững các quy định đảm bảo an toàn PCCC và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, phổ biến, tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm túc các quy định an toàn PCCC, hạn chế tối đa các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ.

Bá Tuấn (Phòng CS PCCC và CNCH)