A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuyến khích lắp đặt báo cháy tự động tại nhà ở đơn lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh

Trong tháng 7/2023, toàn quốc xảy ra 180 vụ cháy, làm chết 12 người, bị thương 07 người, thiệt hại tài sản ước tính 21,64 tỷ đồng và 6,39 ha rừng. Trong đó, cháy vẫn tập trung tại khu vực nhà dân, khu dân cư với 67 vụ cháy nhà ở đơn lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh gây thiệt hại nghiêm trọng về người, chiếm 37,22% tổng số vụ cháy trong tháng.

Qua thống kê tình hình cháy nổ trong tháng 7/2023, phần lớn những vụ cháy làm chết nhiều người đều xảy ra tại nhà ở đơn lẻ và nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Các vụ cháy này thường xảy ra vào nửa đêm về sáng, đa số người dân đang trong trạng thái ngủ nên thời gian phát hiện đám cháy bị chậm, bị động. Khi được phát hiện, đám cháy đã có thời gian cháy tự do kéo dài, diện tích đám cháy phát triển nhanh vượt ngoài tầm kiểm soát của người dân. Điển hình các vụ cháy nghiêm trọng trong tháng 7 như: Vụ cháy xảy ra vào khoảng 05 giờ 22 phút ngày 08/7/2023 tại Nhà ở kết hợp kinh doanh, ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa (Hà Nội) làm 03 người chết; vụ cháy vào khoảng 01 giờ 30 phút ngày 22/6/2023 tại Nhà ở kết hợp kinh doanh vải vụn, thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) làm 03 người chết; vụ cháy vào khoảng 01 giờ 10 phút ngày 13/7/2023 tại Nhà dân, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) làm 02 người chết.

Vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ngày 08.7.2023 tại ngõ Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội. Nguồn ảnh:cand.com.vn

Bên cạnh đó, trong thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH về các vụ cháy từ đầu năm đến nay, cho thấy hầu như những vụ cháy làm chết nhiều người đều xảy ra tại nhà ở đơn lẻ và nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên, trong đó các nguyên nhân chính bao gồm:

Thứ nhất, các vụ cháy này thường xảy ra vào ban đêm, rạng sáng, người dân đang trong trạng thái ngủ say nên thời gian phát hiện cháy chậm, khi phát hiện ra thì đám cháy đã bùng phát lớn. Khi đó, đám cháy đã phát triển lớn sẽ sinh ra nhiệt độ cao, lửa lan truyền lên nhiều tầng nhà kèm theo khói và khí độc, yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người bị nạn và gây khó khăn trong việc thoát nạn.

Thứ hai, trong các nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thường có rất nhiều hàng hóa, vật dụng… được sắp xếp ở nhiều nơi trong nhà. Khi xảy ra sự cố ngọn lửa sẽ nhanh chóng lan truyền vào các vật liệu, thiết bị dễ cháy. Từ đó đám cháy lan nhanh và phát triển thành đám cháy lớn. Thậm chí nhiều trường hợp hàng hóa sắp xếp tràn lan, chặn cửa thoát nạn, cầu thang thoát nạn... dẫn đến khi xảy ra sự cố, người bị nạn rất khó khăn trong việc vượt qua khu vực nguy hiểm để tới nơi an toàn.

Thứ ba, các lối thoát nạn, lối ra khẩn cấp tại các tầng của những ngôi nhà dạng ống, nhà có chuồng cọp không đảm bảo…; người bị nạn chưa có kỹ năng thoát nạn cơ bản và chưa chuẩn bị phương án thoát nạn cho nhà khi xảy ra cháy, sự cố.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là trong các hộ gia đình đơn lẻ hay các hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh hiện nay, hầu hết chưa lắp đặt các thiết bị báo cháy tự động. Chính vì vậy, nên khi cháy xảy ra vào ban đêm thì gần như người dân không thể phát hiện ra, cho đến khi đám cháy đã bùng phát lớn.

Hình ảnh 05 người trong một gia đình thoát nạn thành công nhờ lối thoát nạn thứ hai trong vụ cháy xảy ra vào ngày 17/5/2023 tại Hà Nội. Nguồn ảnh:tuoitrethudo.com.vn

Qua các vụ việc trên, nhằm giảm thiểu được tối đa nguy cơ phát sinh cháy và có thể phát hiện ra sớm các vụ cháy, để xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu, mỗi hộ gia đình cần quan tâm, nhận thức rõ về một số nội dung sau:

- Chủ hộ gia đình cũng cần nắm được trách nhiệm của mình, trong việc bảo vệ tính mạng của các thành viên trong gia đình và tài sản trong gia đình. Cần sắp xếp vật dụng gia đình, hàng hóa sản xuất kinh doanh gọn gàng, không để lấn chiếm, cản trở lối thoát nạn.

Đặc biệt, việc sắp xếp các loại xe máy, xe điện trong các hộ gia đình cần phần bố trí hợp lý, để khi xảy ra cháy nổ, người dân phải có lối thoát nạn thông thoáng, di chuyển ra nơi an toàn. Vì thời gian gần đây, các vụ sự cố cháy nổ liên quan tới xe đạp điện sạc ban đêm, xe máy điện… đã xảy ra nhiều và gây chết nhiều người.

- Mỗi hộ gia đình đơn lẻ, hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất kinh doanh cần mở lối thoát nạn thứ hai. Một lối thoát nạn ra mặt trước ngôi nhà (cửa chính), lối thoát nạn thứ hai có thể là qua ban công, qua nhà hàng xóm, lên sân thượng, qua mái, công trình lân cận,… Nếu được, hoàn toàn có thể mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ để đảm bảo mọi trường hợp có thể thoát ra ngoài an toàn.

- Trong mỗi hộ gia đình đơn lẻ, hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất kinh doanh cần có các phương án thoát nạn và phương án này cần được phổ biến tới từng thành viên trong gia đình, để mọi người biết và chủ động thực hiện khi sự cố cháy xảy ra. Đồng thời, mỗi hộ gia đình cần tự trang bị các kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn. Khi có kỹ năng thì bản thân sẽ có tâm lý vững vàng tự thoát nạn khi xảy ra sự cố và chủ động hơn trong việc cứu các thành viên trong gia đình.

- Mỗi hộ gia đình cần thường xuyên kiểm soát hệ thống điện trong gia đình mình, tránh trường hợp sử dụng nhiều thiết bị điện cùng cắm vào một ổ hoặc lắp đặt, sử dụng nhiều thiết bị điện trong cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng quá tải gây cháy, nhất là trong mùa nắng nóng hiện nay với nhu cầu sử dụng điện cao.

- Đặc biệt, trong mỗi gia đình cần xem xét, lắp đặt các thiết bị báo cháy tự động, giúp cảnh báo cháy sớm khi nhà không có người hoặc ban đêm. Từ đó người dân biết được đang có sự cố xảy ra trong nhà và chủ động được phương án xử lý sớm nhất khi đám cháy đang ở giai đoạn ban đầu, hạn chế tình trạng phát hiện cháy chậm, bị động và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay đã có thiết bị báo cháy cục bộ, dễ lắp đặt, có thể lắp được ở các loại phòng, nó có thể cảnh báo cháy bằng chuông, tín hiệu đèn, tin nhắn kết nối đến điện thoại thông minh, giúp dễ dàng thao tác, xử lý.

 

 

 


Tác giả: Vũ Linh
Tin liên quan