A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – những người lính với tinh thần thép và lòng quả cảm

Tường – trần nhà đổ sập (do tác động của lượng nhiệt lớn từ đám cháy), bị phóng điện, hít phải khí độc, ngã từ trên cao… là những rủi ro mà lính cứu hỏa có thể gặp phải bất kỳ ở đâu, lúc nào trong suốt quá trình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH).

Tuy nhiên, để giành lại sự sống cho người dân, cứu được “cái còn trong cái mất”, những người lính cứu hỏa ở chưa bao giờ cho phép mình gục ngã trước “giặc lửa”, hiểm nguy. Họ luôn chiến đấu dũng cảm, thậm chí chấp nhận hy sinh.

http://m.baokontum.com.vn/uploads/Image/2019/12/07/20191207143954chua-chay-1.jpg Cảnh sát PCCC và CNCH diễn tập nâng cao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ

Xem mạng sống người dân như người thân

“Reng… reng… reng”. Tiếng chuông báo động có cháy liên tục vang lên. Trong vòng 1 phút, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ của Đội Chữa cháy và CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an tỉnh Kon Tum mặc xong quân phục chữa cháy và có mặt ở vị trí tập trung, sau 2 phút lực lượng cứu hỏa đã xuất 6 xe và nhanh chóng tới hiện trường. Trước mặt, lửa kèm khói đen bốc lên ngùn ngụt ở một căn nhà cao tầng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ trưởng trinh sát nhanh chóng xác định gốc lửa, nắm bắt số lượng và đối tượng bị nạn còn mắc kẹt trong căn nhà, lối thoát nạn được xem là an toàn để tập hợp người bị nạn đưa ra ngoài bằng các phương tiện thích hợp. Phương án chữa cháy và cứu nạn được triển khai thần tốc, trong đó cứu người được xác định là nhiệm vụ ưu tiên. Xe thang nhanh chóng vươn cao để cứu người mắc kẹt trên tầng cao, một số chiến sĩ tiếp cận cứu người phía dưới và di tản người bị nạn tránh xa vùng nguy hiểm, nhưng có điều khó khăn hơn nữa khi nghe người dân báo còn một nạn nhân 10 tuổi còn mắc kẹt ở trong phòng trên tầng 3 của tòa nhà. Lúc này, lửa mỗi lúc một cháy lớn có nguy cơ cháy lan lên tầng 3 của tòa nhà, chỉ huy Phan Viết Công đã ra phương án phun nước chống cháy lan và cử 2 đồng chí nhanh chóng lao vào đám cháy, di chuyển lên tầng trên. Sau 3 phút hai đồng chí từ trong đám cháy trên tay bế nạn nhân chạy ra ngoài, tất cả mọi người vỡ òa cảm xúc. Cuối cùng, bao lo lắng, nguy hiểm rồi cũng qua, nhiệm vụ đưa nạn nhân ra ngoài an toàn cũng hoàn thành, hai đồng chí đã cứu được nạn nhân chia sẻ.

Khi nhận nhiệm vụ từ chỉ huy, trong đầu chỉ suy nghĩ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dù biết nguy hiểm lúc đó là rất lớn, bởi đồ bảo hộ mặc trên mình chỉ hạn chế được nhiệt, không chống cháy. Chưa kể, việc lao vào đám cháy di chuyển lên tầng để cứu nạn nhân, việc ra ngoài trong tư thế chưa sẵn sàng, chưa có sự chuẩn bị kỹ, dễ gặp rủi ro. Tuy nhiên, trong tình huống khẩn cấp đó, nếu chần chừ không hành động ngay sẽ không thể cứu được nan nhân khi ngọn lửa ngày một cháy lớn và khói đen bốc lên.

Theo Thiếu tá Phan Viết Công, trong chữa cháy, nguy hiểm luôn thường trực, đe dọa tính mạng người lính cứu hỏa. Gian nan, nguy hiểm trong chữa cháy là vậy, nhưng chưa bao giờ anh và đồng đội cho phép mình đầu hàng, gục ngã trước “giặc lửa”. Bởi theo anh Công, những người lính cứu hỏa luôn xem mạng sống của người dân như chính người thân của mình.

Vì công lý, không ngại đối diện hiểm nguy

Trong công tác chữa cháy và CNCH luôn đặt ra muôn vàn thử thách, gian nguy; tuy nhiên với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, dấn thân, dũng cảm, mưu trí, thời gian qua, những người lính trên mặt trận chữa cháy và CNCH của Phòng PC07, Công an tỉnh Kon Tum luôn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra. Mới đây, khoảng 2 giờ ngày 18.2, người dân ở làng nghề Hnor phát hiện ngọn lửa bùng phát ở phía sau xưởng gỗ của gia đình ông Phạm Ngọc Khẩn (65 tuổi), nhanh chóng tìm cách chữa cháy và vận chuyển một số ít gỗ ra khỏi xưởng. Sau đó người dân đã gọi báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Nhận được tin báo đồng chí trực thông tin đã báo cáo cho đồng chí chỉ huy và sau đó là những tiếng “reng…, reng…reng” vang lên giữa đêm khuya tĩnh lặng khi mọi người còn đang ngủ nhưng những người lính của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã bật dậy như một quán tính hay thói quen và mặc quân phục nhanh chóng xuống vị trí tập trung. Sau 2 phút Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã huy động 5 xe chữa cháy cùng 28 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường. Sau hơn 2 giờ  chữa cháy với hơn 20 lượt xe tiếp nước, ngọn lửa đã cơ bản được khống chế.Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng, ngọn lửa phát mạnh kết hợp với gió to làm sập hoàn toàn mái tôn nhà xưởng, đè lên gỗ và trong màn đêm tối nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn phải dùng nhiều biện pháp mới dập tắt hoàn toàn đám cháy trong thời gian nhanh nhất. Vụ cháy không gây thiệt hại về người. Toàn bộ gỗ và các thiết bị máy móc trong xưởng bị thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng. đồng chí chỉ huy chia sẻ.

Lực lượng chữa cháy và CNCH luôn sẵn sàng thường trực chiến đấu dù ngày hay đêm chỉ cần nhận được tin báo của người dân. Trong công việc của người lính chữa cháy và CNCH, khoảng cách giữa sự sống và cái chết rất gần. Để cứu mạng sống người dân, chiến thắng trước “giặc lửa”, góp phần giữ bình yên cho thành phố, đất nước, không ít cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã mãi mãi nằm xuống nhưng chỉ cần có nhiệm vụ sẽ cố gắng hoàn thành dù khó khăn, gian khổ, nguy hiểm tới mấy. Điều hạnh phúc là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Để người dân luôn tin yêu

Sự hy sinh thầm lặng, cao cả của những người lính cứu hỏa đã góp phần rất lớn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, giúp người dân được sống trong an toàn, yên bình. Tại TP Kon Tum, những năm qua, với sự nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, số vụ cháy nổ trên địa bàn liên tục được kéo giảm. Với những kết quả đạt được, giờ đây, sau mỗi vụ cháy, vụ cứu nạn, sự tin yêu của người dân với người lính chữa cháy & CNCH càng tăng lên. Với người dân từng được cứu thoát khỏi đám cháy họ bày tỏ sự trân thành và xem những người lính cứu hỏa TP Kon Tum xứng đáng được gọi là những người lính “tinh thần thép”.

Theo Thượng tá Đặng Việt Dũng, Trưởng phòng PCCC&CNCH, Công an tỉnh Kon Tum, trong công tác chữa cháy và CNCH, rất khó nói trước được điều gì trước muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, để xứng đáng với niềm tin yêu của người dân, mỗi đảng viên, cán bộ ở đơn vị, từ chiến sĩ đến chỉ huy đều phải cố gắng phấn đấu, trau dồi kiến thức, nỗ lực tập luyện, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Tôn chỉ công việc của đơn vị là xây dựng và giữ vững hình ảnh người lính cứu hỏa có tâm lẫn tài.

Bác Hồ từng căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều: “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn; Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân; Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy; Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”. Giờ đây, mỗi cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Kon Tum luôn ghi tâm, nỗ lực phấn đấu, học tập và làm theo lời Bác dạy để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cao Cường